Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ Ukraine và trừng phạt Nga

Ngày 1/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói viện trợ cho Ukraine, trong đó bao gồm cả những trừng phạt Nga vì sáp nhập Crimea. Đây là phản ứng mang tính ràng buộc đầu tiên của các nhà lập pháp Mỹ đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Với tỷ lệ 378 phiếu thuận và 34 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật được Thượng viện "bật đèn xanh" hồi tuần trước, đồng nghĩa với dự luật này- bao gồm cam kết cho Ukraine vay 1 tỷ USD - sẽ chỉ còn chờ chữ ký của Tổng thống Barack Obama trước khi có hiệu lực.

Trụ sở Ngân hàng JP Morgan tại vương quốc Anh. Ảnh: Reuters


Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết Tổng thống Obama hoan nghênh việc thông qua dự luật trên, vốn sẽ mang đến cho Ukraine "những biện pháp thiết yếu để khôi phục sự ổn định của nền kinh tế và trở lại tăng trưởng và thịnh vượng.

NATO dừng hợp tác quân sự, dân sự với Nga

Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết sẽ tạm ngừng "toàn bộ hợp tác dân sự và quân sự trên thực tế" với Nga trong thời gian 3 tháng do việc Moskva sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên, hợp tác NATO- Nga liên quan đến tình hình Afghanistan và chống buôn lậu ma túy vẫn được duy trì.

Trong một tuyên bố, ngoại trưởng các nước NATO đã hối thúc Nga "ngay lập tức có những bước đi để trở lại tuân thủ luật pháp quốc tế". Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh các dự án hợp tác liên quan đến Afghanistan thực hiện với Nga như đường trung chuyển hay sử dụng trực thăng vẫn phải tiếp tục vì lợi ích của 2 bên, để đảm bảo cho thành công của phái bộ NATO tại Afghanistan. 

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định tương lai quan hệ của NATO với Nga sẽ phụ thuộc vào việc Nga rút quân khỏi khu vực biên giới với Ukraine.

Các ngoại trưởng NATO còn chỉ thị cho các tư lệnh quân sự vạch kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ của NATO, bao gồm việc cử binh lính và đưa trang thiết bị quân sự tới các nước thành viên Đông Âu, tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận để bảo đảm lực lượng phản ứng nhanh của NATO có thể triển khai nhanh chóng. Tại hội nghị, Ba Lan đã đề nghị khối quân sự này đưa 10.000 quân tới đồn trú trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, đề xuất này chưa nhận được sự tán thành của nhiều nước thành viên NATO.

NATO cũng thông báo trong tuyên bố chung sau cuộc gặp của các bộ trưởng tại Brussels (Bỉ) rằng họ sẽ tăng cường hợp tác và thúc đẩy cải cách quốc phòng tại Ukraine thông qua huấn luyện và các chương trình khác.

Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Nga cho biết ngày 1/4, ngân hàng JP Morgan của Mỹ đã chặn "trái phép" một khoản thanh toán từ Đại sứ quán Nga tại Kazakhstan cho công ty bảo hiểm Sogaz "viện cớ các biện pháp trừng phạt chống Nga do Mỹ áp đặt".

Trong một tuyên bố, bộ trên đã chỉ trích động thái của ngân hàng Mỹ là "không thể chấp nhập, bất hợp pháp và vô lý". Tuyên bố nêu rõ: "Washington cần hiểu rằng bất cứ hành động thù địch nào nhằm vào một phái đoàn ngoại giao Nga không chỉ cấu thành sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế mà còn dẫn tới những hậu quả tất yếu đến công việc của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Mỹ tại Nga".

Sogaz thuộc một phần sở hữu của Abros, chi nhánh của Bank Rossiya - ngân hàng bị Nhà Trắng trừng phạt hồi tháng trước. Hiện JP Morgan chưa có bình luận gì về tuyên bố trên.


T.N
(Theo AFP, Reuters)
Nga, Mỹ tiến gần thỏa hiệp 'liên bang hóa' Ukraine?
Nga, Mỹ tiến gần thỏa hiệp 'liên bang hóa' Ukraine?

Báo Độc lập (Nga) ngày 31/3 nhận định rằng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã đạt tới những bước nhượng bộ lẫn nhau, giúp cho quan điểm giữa hai bên "tiệm cận" gần hơn sự thỏa hiệp trong vấn đề "liên bang hóa" thể chế Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN