Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, với 49 phiếu thuận, 33 phiếu chống và 25 phiếu trắng, phiên họp toàn thể của cơ quan lập pháp Peru đã không đạt đủ số phiếu cần thiết theo luật định để thực hiện việc cải tổ Hiến pháp. Theo quy định, để có thể được thông qua thì đề xuất này phải nhận được ít nhất 66 phiếu thuận và vượt qua được một cuộc trưng cầu ý dân hoặc phải nhận được 87 phiếu thuận trong hai vòng bỏ phiếu liên tiếp.
Một số nghị sĩ cho biết đã bỏ phiếu phản đối đề xuất của tân Tổng thống là bởi các nghị sĩ thuộc các đảng cánh tả ủng hộ ông Castillo muốn đưa vào văn kiện này điều khoản thành lập một Quốc hội lập hiến bên cạnh việc kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm.
Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội nghiêm trọng khi cựu Tổng thống Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Tuy nhiên, hành động này đã bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và các nghị sĩ quốc hội phản đối mạnh mẽ, coi đây là động thái “đảo chính”. Quốc hội Peru ngay lập tức đã bỏ phiếu phế truất nhà lãnh đạo này. Phó Tổng thống Peru Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời sau khi ông Castillo bị cảnh sát bắt giữ.Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của tân Tổng thống Boluarte vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương bất chấp việc lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia đã được ban bố và lực lượng vũ trang đã được giao quyền kiểm soát an ninh trật tự. Theo thống kê chính thức, cho đến nay đã có 16 người thiệt mạng và hơn 340 người bị thương (một nửa trong đó là cảnh sát) trong các vụ bạo lực ở Peru.