Thông báo trên được đưa ra sau một hội nghị cấp bộ trưởng do Đan Mạch phối hợp với Đức, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc (LHQ) chủ trì, diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 20/10.
Trong một thông báo, LHQ cho biết các nước tài trợ quyết định tăng viện trợ cho các nước ở khu vực Trung Sahel, gồm Burkina Faso, Mali và Niger, nhằm ngăn nguy cơ khu vực này rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới. Khi được giải ngân, khoản viện trợ trên sẽ giúp khoảng 10 triệu người từ nay đến hết năm 2021 giải quyết những nhu cầu cơ bản về nơi ở, lương thực, giáo dục, y tế, vệ sinh và nước sạch, đồng thời hỗ trợ những nạn nhân của tình trạng bạo lực giới. Theo LHQ, nhà tài trợ lớn nhất cho gói viện trợ là Thụy Sĩ với 464 triệu USD, sau đó là Mỹ (274,8 triệu USD), Đan Mạch (183 triệu USD), EU (122,8 triệu USD) và Đức (118,2 triệu USD).
Theo LHQ, bạo lực đã khiến hơn 1,5 triệu người tại các nước ở khu vực Trung Sahel phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, tăng gấp 20 lần trong hai năm qua. Bạo lực giới cũng tăng mạnh, hàng triệu trẻ em thất học và người dân không được tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội cơ bản.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ước tính 7,4 triệu người tại đây đang vật lộn với tình trạng khẩn cấp do mất an ninh lương thực vào mùa giáp hạt, tăng gấp 3 lần so với cách đây một năm. Số người thiếu lương thực đã tăng 514% tại Burkina Faso, 130% tại Mali và 144% tại Niger so với 5 năm trước. Riêng Mali, số người cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp trong 8 tháng đầu năm nay tăng từ 4,3 triệu lên 6,8 triệu người, tức là hơn 30% số dân.
Trong khi đó, nghèo đói và tình trạng biến đổi khí hậu cùng với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đe dọa đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Hơn 13 triệu người tại đây cần viện trợ nhân đạo, trong đó có 7 triệu trẻ em.
Trong một thông điệp gửi đến hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết: “Các nước khu vực Trung Sahel đang trong tình trạng cấp bách. Chúng ta cần phải đảo ngược vòng xoáy này bằng một lực đẩy mới cho hòa bình và hòa giải”. Theo ông Guterres, các nước cần tạo điều kiện cho hỗ trợ nhân đạo và các khoản đầu tư thiết yếu cho con người và phát triển kinh tế.