Quốc tế tiếp tục hỗ trợ Nam Sudan giải quyết xung đột

Trong bối cảnh Nam Sudan chìm trong xung đột, ngày 26/12, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại nước này Hilde Johnson cho biết đợt binh sĩ tăng cường đầu tiên cho phái bộ LHQ ở Nam Sudan (UNMISS) sẽ có mặt vào ngày 28/12.

Trước đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã thống nhất tăng gần gấp đôi lực lượng UNMISS lên 12.500 binh sĩ và 1.323 cảnh sát. Theo đặc phái viên Johnson, hiện có hơn 50.000 người dân Nam Sudan đang tị nạn tại các cơ sở của LHQ tại nước này, khiến nhiệm vụ bảo vệ của UNMISS trở nên quá tải. Bà Johnson hối thúc cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo Nam Sudan giải quyết xung đột trong hòa bình.

300 công dân Trung Quốc làm việc tại giếng dầu ở Malakal (Sudan) được sơ tán về nước ngày 25/12. Ảnh: THX/TTXVN


Cũng trong ngày 26/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo nước này sẽ sớm cử đặc phái viên tới Nam Sudan. Trang web của bộ trên dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Saudi Arabia hôm 25/12 cho biết Bắc Kinh sẽ cử đặc phái viên về châu Phi tới Nam Sudan để liên hệ với các bên. Tuyên bố nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực giúp tình hình tại quốc gia non trẻ này sớm ổn định trở lại.

Cùng ngày, Quyền Thủ tướng Australia Warren Truss đã điều động hai máy bay vận tải quân sự tới Nam Sudan nhằm giúp đỡ khôi phục hòa bình tại đây, sau khi nhận được yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ LHQ. Theo kế hoạch, hai máy bay C-17 A Globemaster và C-130 J Hercules của Australia sẽ được dùng để chở các binh sĩ và phương tiện của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tới Nam Sudan trong vài tuần tới.

Ngoài ra, các máy bay của quân đội Australia còn có thể được dùng để sơ tán người dân. Quyền Thủ tướng Truss cũng cho biết vào thời điểm này, chính phủ Australia chưa xem xét tới việc cử thêm binh sĩ tới Nam Sudan, đồng thời hối thúc công dân Australia lập tức rời khỏi Nam Sudan.

Lãnh đạo các nước láng giềng của Nam Sudan gồm Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã tới thủ đô Juba vào ngày 26/12 để hỗ trợ tiến trình hòa giải. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia Tedros Adhanom cùng đi với Thủ tướng Desalegn, cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo trên với Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã diễn ra "trên tinh thần xây dựng và thẳng thắn". Ông Adhanom cho biết các vấn đề được ba nhà lãnh đạo thảo luận gồm chấm dứt các hành vi thù địch, trả tự do cho những nhân vật đang bị giam giữ và nhanh chóng khởi động đối thoại với trọng tâm là khía cạnh nhân đạo.

Liên quan đến tình hình xung đột tại Nam Sudan, ngày 26/12, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố sẽ cắt viện trợ cho Nam Sudan nếu chính quyền của Tổng thống Salva Kiir bị lật đổ. Bộ trên nêu rõ mọi âm mưu giành quyền lực thông qua sức mạnh quân sự sẽ dẫn tới việc Mỹ và cộng đồng quốc tế chấm dứt hỗ trợ cho Nam Sudan.


TTXVN/Tin tức

Quốc tế nỗ lực chấm dứt xung đột ở Nam Sudan
Quốc tế nỗ lực chấm dứt xung đột ở Nam Sudan

Ngày 24/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch tăng quân gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan theo đề xuất của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN