Lễ ra mắt quỹ trên được tổ chức ở thủ đô Kiev. Hà Lan, Slovakia, Latvia, Nhật Bản và Litva đóng góp tổng cộng 16,5 triệu USD.
IMF dự định huy động 27,5 triệu USD ban đầu để hỗ trợ các lĩnh vực then chốt trong chương trình cải cách của Ukraine. Các lĩnh vực then chốt đó gồm cải cách tài khóa (huy động vốn, quản lý tài chính công và chính sách chi tiêu); chính sách tiền tệ; các chính sách tài chính; chính sách chống tham nhũng; tổng hợp và phổ biến dữ liệu; đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ kinh tế vĩ mô.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đánh giá cao tiến bộ của Ukraine trong cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách nền kinh tế của quốc gia Đông Âu này với việc hối thúc Quốc hội phê duyệt gói viện trợ quân sự và kinh tế trị giá 61 tỷ USD dành cho Ukraine. Cuối ngày 13/2, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật viện trợ hỗn hợp 95 tỷ USD cho Ukraine, Israel và Đài Loan (Trung Quốc). Tuy nhiên, dự luật này vẫn chưa chắc vượt qua "ải" Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Cũng trong ngày 13/2, theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đánh giá cuộc xung đột tại Ukraine đã gây thiệt hại khoảng 3,5 tỷ USD cho các di sản và văn hóa của nước này.
Qua sử dụng hình ảnh vệ tinh, UNESCO xác định khoảng 5.000 địa điểm đã bị phá hủy, trong đó có hơn 340 địa điểm như bảo tàng, tượng đài, thư viện và các cơ sở tôn giáo. UNESCO ước tính ngành văn hóa, du lịch và giải trí của Ukraine đã thiệt hại tổng cộng 19 tỷ USD doanh thu kể từ tháng 2/2022.