RCEP hiện quy tụ 15 thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN, cùng 5 nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. RCEP cũng sẽ mở cửa đối với các quốc gia khác. Cho đến nay, nhiều nền kinh tế, trong đó có Sri Lanka và Hong Kong (Trung Quốc), đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập khối thương mại này.
Theo Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế, ông Satvinder Singh, thủ tục kết nạp thành viên mới đang được soạn thảo. Sau khi hoàn tất, các bên quan tâm có thể bắt đầu quá trình đàm phán chính thức để gia nhập RCEP.
Phát biểu tại một hội nghị mới đây ở Jakarta, ông Singh cho biết: “Chúng tôi đang ở giai đoạn chuẩn bị nền tảng cho các quy tắc kết nạp. Một khi hoàn tất, sẽ bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập của các bên”. Khi được hỏi về mốc thời gian cụ thể để hoàn tất các quy tắc gia nhập nói trên, ông Singh cho hay: “Chúng tôi hy vọng là vào năm 2024”.
RCEP được ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch, và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. RCEP chiếm 30% GDP toàn cầu. Thỏa thuận này hướng tới loại bỏ 90% thuế nhập khẩu nội khối trong vòng 20 năm.
Tại Hội nghị được tổ chức ở thành phố Semarang của Indonesia tháng 8 vừa qua, các Bộ trưởng RCEP đã ra tuyên bố chung đề cập đến các thủ tục kết nạp. Hội nghị cũng kêu gọi Ủy ban hỗn hợp thực thi RCEP - bao gồm các quan chức cấp cao của các thành viên - hoàn tất các thủ tục kết nạp trong thời gian sớm nhất.