Báo cáo do chuyên gia cấp cao Peter A. Petri thuộc Viện Brookings và Giáo sư Kinh tế quốc tế Michael Plummer thuộc trường Đại học Johns Hopkins cùng thực hiện nêu rõ trong bối cảnh chính trị phù hợp, RCEP kết nối khoảng 30% dân số và sản lượng kinh tế của thế giới sẽ tạo ra những lợi ích lớn.
Theo báo cáo trên, RCEP có thể bổ sung 209 tỷ USD vào khoản thu nhập hằng năm của thế giới và 500 tỷ USD cho thương mại thế giới vào năm 2030. Hai chuyên gia trên ước tính rằng RCEP cùng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào năm 2018 sẽ thúc đẩy các nền kinh tế tại Bắc Á và Đông Nam Á hoạt động hiệu quả hơn bằng cách liên kết các thế mạnh của những nền kinh tế này.
Trong khi đó, ông Mark Haefele - Giám đốc phụ trách đầu tư của công ty UBS Global Wealth Management - cho rằng các nền kinh tế Bắc Á có thể sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ RCEP, khi các quốc gia khác đã được "phủ sóng" với một loạt những hiệp định thương mại tự do hiện có.
Giáo sư kỳ cựu Raj Bhala thuộc trường Đại học Luật Kansas cho biết các đối tác của RCEP hiện có cơ hội "soạn thảo và sửa đổi các quy tắc thương mại quốc tế trong những vấn đề của thế kỷ 21", bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp đảm bảo vệ sinh và kiểm dịch động thực vật cũng như tự do hóa dịch vụ.
Theo ông Bhala, nhiều người dân tại các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương tin rằng vấn đề thương mại không chỉ đơn thuần là về lĩnh vực thương mại, mà là còn bao hàm "tất cả các khía cạnh của cuộc sống", do đó các nền kinh tế RCEP sẽ cần phải quan tâm đến khía cạnh công bằng xã hội và nhân quyền khi các nước này tiến tới xây dựng Cộng đồng RCEP.
Ông Jeffrey Sachs - Giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học Columbia và là cố vấn cấp cao của Liên hợp quốc - thì cho rằng RCEP cần tăng cường hợp tác nhằm khôi phục du lịch và thương mại, đầu tư vào năng lượng tái tạo và đạt được phát triển bền vững.