Ông Trump được cho là không mấy thân thiện với báo giới.
|
Theo Independent, trong bản lưu ý, ông Adler thừa nhận rằng việc ông Trump trở thành Tổng thống thực sự là một thách thức hoàn toàn mới với các phóng viên chính trường tại Mỹ khi họ phải “đương đầu” với một chính quyền vốn dĩ đã rất tích cực đưa ra những thông tin đánh lạc hướng.
Ông Adler không quên nhắc nhở phóng viên về truyền thống của Reuters trong việc đưa tin về các chế độ độ tài như ở Zimbabwe, Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ. Reuters là hãng thông tấn toàn cầu, đưa tin độc lập ở trên 100 quốc gia khắp thế giới, với nhiều nơi mà báo chí không được hoan nghênh, thậm chí thường xuyên bị tấn công.
Ông viết: “Tôi tự hào về công việc của các bạn tại những nơi như Thổ Nhĩ Kỳ, Philippines, Ai Cập, Iraq, Yemen, Thái Lan, Trung Quốc, Zimbabwe và Nga, những quốc gia mà chúng ta đôi khi phải đối mặt với đủ mọi hình thức, kể cả kiểm duyệt, truy tố pháp lý lẫn từ chối thị thực, thậm chí cả đe doạ về thể chất đối với các nhà báo”.
Tổng biên tập Reuters khẳng định: “Chúng ta không biết những cuộc tấn công của chính quyền ông Trump sẽ sắc bén tới mức nào, hoặc có đi kèm những hạn chế pháp lý đối với việc thu thập tin tức của chúng ta hay không. Nhưng chúng ta biết rằng ta phải tuân thủ cùng một luật chơi đang quy định công việc của chúng ta ở bất cứ đâu".
Ông cũng kêu gọi các phóng viên không nên lo lắng và hãy xoay xở, linh hoạt trong những sự kiện mà chính quyền ông Trump cắt các kênh tiếp cận.
Đặc biệt, nhà lãnh đạo Reuters đã liệt kê hẳn một bản danh sách những điều Nên và Không nên làm với phóng viên của hãng khi tác nghiệp trên chính trường Mỹ thời Tổng thống Trump; trong đó có những lời khuyên như: Nên: Linh hoạt hơn: Nếu một cánh cửa tới thông tin đóng lại, hãy mở cánh cửa khác; Hãy đi sâu vào tình hình đất nước, tìm hiểu người dân sống ra sao, họ nghĩ gì, điều gì giúp hoặc làm tổn thương họ, và chính phủ đã làm gì với họ, chứ không phải làm gì với chúng ta.