Xét vai trò và vị thế của trung tâm tài chính London tại châu Âu hiện nay, thì London là một trong những nơi có thể cảm nhận những tác động đầu tiên của Brexit. Lượng giao dịch đồng euro tại London hiện lớn gấp đôi lượng giao dịch tại 19 nước sử dụng đồng tiền chung cộng lại.
Người dân Anh tham gia biểu tình tại thủ đô London ngày 16/4/2016. Ảnh:AFP/TTXVN |
Theo đánh giá của Bruegel, trung tâm tài chính được lợi nhất từ sự "chảy máu" việc làm trong lĩnh vực tài chính nói trên là Frankfurt (Đức), kế đến là Paris (Pháp), Amsterdam (Hà Lan) và Dublin (Ireland). Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo rằng việc các tổ chức tài chính nằm tản mát ở nhiều trung tâm tài chính khác nhau sẽ làm gia tăng nguy cơ ngân hàng sụp đổ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính.
Phân tích của Bruegel dựa trên khả năng nước Anh sẽ rời Khu vực Thị trường chung châu Âu khi chia tay EU như Thủ tướng Anh Theresa May đã đề cập trong kế hoạch Brexit công bố cuối tháng trước. Brexit làm nảy sinh những nguy cơ đối với sự hội nhập và ổn định của EU, bởi liên minh này cũng như Anh đều phụ thuộc rất lớn vào sự giám sát của Ngân hàng Trung ương Anh và Cơ quan Quản lý Tài chính Anh đối với các hoạt động trên thị trường tài chính. Bruegel khuyến nghị rằng khi Anh ra khỏi EU, liên minh khi đó gồm 27 nước thành viên cần phải nhanh chóng xây dựng một mô hình giám sát tập trung thay vì tạo lập 27 hệ thống giám sát tài chính riêng rẽ, nhằm giảm đáng kể rủi ro và chia sẻ lợi ích giữa các bên.
Ông Nicolas Véron, đồng tác giả của nghiên cứu phân tích nói trên, nhận định rằng EU đang đứng trước cả rủi ro và cơ hội. Ông cũng bày tỏ sự lạc quan rằng EU sẽ hành động bất chấp những biến động chính trị trong năm 2017 liên quan đến kết quả các cuộc bầu cử tại Hà Lan, Pháp và Đức.