Bác sĩ chuyên về hô hấp và giấc ngủ Megan Rees, thuộc bệnh viện Royal Melbourne, cho biết người bệnh có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ trong giai đoạn cấp tính của bệnh COVID-19, trong những tuần và tháng sau đó.
Theo bác sĩ Rees, ít nhất từ 30 - 50% số người mắc COVID-19 cho biết chất lượng giấc ngủ của họ đều giảm sau khi mắc căn bệnh này. Trong số đó, có những người khó chìm vào giấc ngủ khi muốn ngủ và có những người hay cảm thấy mệt mỏi, muốn ngủ vào ban ngày. Ngoài ra, còn một tình trạng khác được gọi là rối loạn nhịp sinh học, khi người bệnh không thể thức giấc hay đi ngủ vào khoảng thời gian theo thói quen.
Bác sĩ Rees cho rằng tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Virus SARS-CoV-2 có thể gây ra tình trạng viêm trong cơ thể và những chất gây viêm đó có thể khiến rối loạn giấc ngủ. Trong nhiều trường hợp, chất gây viêm này làm cơ thể nhanh mệt mỏi hơn, khiến người bệnh muốn ngủ vào các thời điểm khác nhau, hoặc có thể gây rối loạn tuần hoàn tự nhiên của cơ thể.
Các nhà khoa học Australia cho biết những người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài, kể cả những người có triệu chứng bệnh nhẹ, có thể có phản ứng viêm kéo dài ít nhất 8 tháng sau khi mắc bệnh.
Bác sĩ Rees cho biết ngủ là một quá trình phức tạp cần đến sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều phần não bộ khác nhau. Các triệu chứng dai dẳng như tức ngực và khó thở - hai triệu chứng phổ biến ở những người hồi phục sau COVID-19 - cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ. Ngoài ra, những thay đổi trong quá trình cách ly để chữa bệnh và phục hồi cũng có thể ảnh hưởng đến thói quen ngủ.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ chuyên về hô hấp Anthony Byrne, tình trạng lo lắng thường phát sinh khi cơ thể không khỏe cũng có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng lo âu và chất lượng giấc ngủ suy giảm.
Theo bác sĩ Byrne, nghiên cứu cho thấy những người mắc COVID-19 cũng đối mặt với tình trạng lo âu gia tăng, do đó, rối loạn giấc ngủ là một hệ quả kéo theo.
Lý giải về tình trạng này, bác sĩ Byrne cho biết nhịp sinh học là một nhịp điệu tự nhiên có sẵn của cơ thể, có nghĩa là con người có một lượng melatonin lưu thông nhất định và các yếu tố khác trong máu cho phép con người chìm vào giấc ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, khi con người lo âu, các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ sẽ hoạt động quá mức khiến cơ thể khó nghỉ ngơi.
Trạng thái lo âu được biết đến có mối liên hệ chặt chẽ với tình trạng mất ngủ, xảy ra khi con người quá căng thẳng và thậm chí khi căng thẳng tan biến, tình trạng mất ngủ vẫn có thể tiếp diễn.
Bác sĩ Byrne nhấn mạnh tuy rối loạn giấc ngủ sau mắc COVID-19 là một vấn đề lớn, song một số vấn đề liên quan giấc ngủ có thể đã hiện hữu từ trước khi người bệnh mắc COVID-19. Ví dụ, chứng ngưng thở khi ngủ là một yếu tố khiến COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn, song thường không được chẩn đoán phát hiện từ trước.
Do đó, theo bác sĩ Byrne, để có thể hiểu rõ về tình trạng rối loạn giấc ngủ hậu COVID-19, cần có đánh giá toàn diện về những vấn đề sức khoẻ tồn tại trước đó và thói quen về giấc ngủ.
Bác sĩ Rees cho biết, theo kinh nghiệm khám chữa các bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài, các triệu chứng bệnh sẽ được cải thiện theo thời gian. Để cải thiện giấc ngủ, người bệnh cần tuân thủ một chu kỳ giấc ngủ đều đặn, tránh ánh sáng xanh từ các thiết bị di động và hạn chế sử dụng rượu, bia và thuốc lá. Trong khi đó, bác sĩ Byrne cũng khuyến khích người bệnh sử dụng melatonin để điều trị rối loạn giấc ngủ.