Theo kênh truyền hình RT, Washington đang tìm cách lôi kéo các quốc gia đồng minh ủng hộ các quy định xuất khẩu công nghệ bán dẫn nhằm vào Bắc Kinh. Sau khi áp dụng các biện pháp trừng phạt mới vào tháng trước, Mỹ muốn phong tỏa những tiến bộ công nghệ của Trung Quốc như một đòn bẩy trong nỗ lực kiềm chế sự trỗi dậy của quốc gia châu Á này.
Bắt đầu từ năm 2018, chiến lược chính nhằm kiềm chế Trung Quốc của Mỹ tập trung vào chất bán dẫn. Đây là chất liệu mà Washington coi là tài sản quan trọng và Bắc Kinh cần có để tạo vị thế trong chuỗi giá trị quốc tế cũng như thoát khỏi mác quốc gia công nghiệp sản xuất cấp thấp gắn bó trong nhiều thập kỷ.
Mỹ lo ngại vị trí dẫn đầu lâu nay của họ về công nghệ nói chung và công nghệ quân sự nói riêng có thể bị Trung Quốc vượt qua, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn đối với vị trí bá chủ của Mỹ.
Để thực hiện chiến lược trên, Mỹ đã sử dụng một chiến thuật: cấm vận và cấm vận nhiều hơn nữa, đồng thời xây dựng lại chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu xung quanh mình.
Mỹ liên tiếp bổ sung các công ty nước này vào danh sách thực thể cấm xuất khẩu những mặt hàng sang Trung Quốc của Bộ Thương mại Mỹ. Kể từ năm 2022, danh sách các công ty bị ảnh hưởng hiện đã lên tới hàng trăm và vẫn tiếp tục tăng lên.
Trong bộ quy tắc sản phẩm giao dịch trực tiếp với nước ngoài, Mỹ đã vũ khí hóa quyền sở hữu bằng sáng chế chất bán dẫn công nghệ để cấm các quốc gia bên thứ ba giao dịch với công ty Trung Quốc. Mỹ đã ép buộc công ty ASML có trụ sở tại Hà Lan không xuất khẩu những loại máy móc dùng để sản xuất chip mạnh nhất cho khách hàng Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 2018, Mỹ đã cấm công ty xuất khẩu máy in thạch bản cực tím, công nghệ quan trọng nhất, sang Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Biden còn vận động hành lang đối với Hà Lan và Nhật Bản, thuyết phục những nước này chia sẻ quan điểm chung về việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích chính trị Timur Fomenko, “nói bao giờ cũng dễ hơn làm”. Trung Quốc là thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới. Nhu cầu về chất bán dẫn để thúc đẩy tăng trưởng đang cao hơn bao giờ hết. Trong trường hợp Nhật Bản và Hà Lan đồng ý với các quy tắc do Mỹ đặt ra, họ hoàn toàn lường trước được những tổn thất mà làm điều đó chỉ vì lợi ích cua Mỹ. Giám đốc điều hành công ty ASML cũng đã lên tiếng về những lo ngại này. Tuy nhiên, về phần mình, Mỹ không muốn nhận câu trả lời không và cuối cùng, cả Hà Lan và Nhật Bản đều đồng thuận tham gia các hạn chế.
Mục tiêu cuối cùng của Mỹ là dựng lên một “hàng rào silicon” khổng lồ bao quanh Trung Quốc. Washington tin rằng việc hạn chế và cắt đứt dòng chất bán dẫn vào nước này có thể kìm hãm sự tăng trưởng của Trung Quốc trong thời gian dài, buộc nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào Đài Loan để có được những con chip tiên tiến nhất.
Đồng thời, Washington cũng ép Bắc Kinh chạy đua với thời gian để tự chủ với công nghệ sản xuất chất bán dẫn. Hiện Trung Quốc đang chuẩn bị gói trợ cấp 143 tỷ USD cho các công ty sản xuất chất bán dẫn trong nước cũng như đã đạt được một thành tựu tương đối là sản xuất chip 7 nanomet. Tuy nhiên, cường quốc châu Á này vẫn phải đương đầu với một nhiệm vụ khó khăn là xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình từ đầu. Quy trình này đòi hỏi sự đổi mới và đầu tư trên quy mô lớn.