Người phát ngôn lực lượng cảnh sát quốc gia Muhammad Iqbal không tiết lộ danh tính của những người nằm trong mục tiêu ám sát của các đối tượng, song cho biết Tổng thống Joko Widodo không nằm trong danh sách này.
Theo ông Iqbal, có 6 nghi can, trong đó có 1 phụ nữ, liên quan đến âm mưu trên. Các đối tượng đã tiến hành nhiều giao dịch mua, bán súng, cũng như đã nhận được một lượng lớn tiền để thực hiện kế hoạch. Những nghi can này bị bắt giữ và cáo buộc theo luật khẩn cấp năm 1951 về việc sở hữu và cung cấp vũ khí bất hợp pháp, và có thể đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết án.
Cũng theo ông Iqbal, nhà chức trách Indonesia đã biết danh tính của đối tượng ra lệnh ám sát.
Ngày 21/5, KPU đã công bố kết quả cuối cùng cuộc bầu cử tổng thống năm 2019, theo đó, cặp ứng cử viên số 1 gồm đương kim Tổng thống Joko Widodo và người liên danh tranh cử Ma'ruf Amin đã nhận được 55,5% số phiếu ủng hộ, trong khi cặp số 2 là ứng cử viên đối thủ Prabowo Subianto và Sandiaga chỉ giành được 44,5% số phiếu ủng hộ. Ông Prabowo tuyên bố không chấp nhận kết quả này, đồng thời đệ đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp.
Biểu tình bạo động cũng đã nổ ra tại Jakarta khiến ít nhất 8 người thiệt mạng và trên 700 người khác bị thương. Indonesia đã phải đặt an ninh trong tình trạng báo động ở thủ đô Jakarta.