Tiêu thụ rượu sake tại Nhật Bản đã giảm đáng kể trong những thập kỷ qua do nhiều yếu tố như người tiêu dùng thay đổi thói quen uống rượu, nhận thức về sức khỏe ngày càng tăng và dân số giảm. Theo Viện nghiên cứu NLI - chi nhánh của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Nippon, tỷ lệ nam giới uống rượu sake thường xuyên tại Nhật Bản đã giảm ở tất cả các nhóm tuổi trong 20 năm qua; xu hướng tương tự cũng được ghi nhận ở nhóm phụ nữ trẻ.
Thêm vào đó, thị phần của rượu sake trên thị trường đồ uống tổng thể cũng thu hẹp do sở thích của người tiêu dùng ngày càng đa dạng. Kết quả là sản lượng rượu sake đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2022, chỉ bằng chưa đến 25% so với đỉnh điểm vào năm 1973 theo dữ liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản.
Yumesakagura, một công ty do cựu Giám đốc điều hành của Gekkeikan Sake Co., ông Makoto Obe, 61 tuổi, thành lập, là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực nhằm hồi sinh ngành công nghiệp rượu sake Nhật Bản. Công ty này hợp tác với các nhà máy rượu địa phương như Yoshida Shuzo để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh bán hàng và phát triển các chiến lược tiếp thị hướng đến thị trường quốc tế.
Yoshida Shuzo là một nhà máy rượu sake có tuổi đời gần 150 năm tại Takashima thuộc tỉnh Shiga lân cận ở miền Tây Nhật Bản. Nhờ những nỗ lực cải tiến, nhà máy rượu này đã ghi nhận gia tăng doanh số bán hàng và sự quan tâm từ thị trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Rượu Sake và Shochu Nhật Bản, tổng kim ngạch xuất khẩu rượu sake năm 2022 đã đạt kỷ lục 13 năm liên tiếp, cho thấy sức hút ngày càng mạnh mẽ của thức uống truyền thống này trên thị trường quốc tế. Ba thị trường dẫn đầu tiêu thụ sake xuất khẩu từ Nhật Bản lần lượt là Trung Quốc, Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc).