Tạp chí Financial Times (FT) ngày 23/7 đưa tin số lượng vé tham gia các sự kiện trong Thế vận hội Paris được rao bán lại đã lên tới 270.465 vé, tăng từ khoảng 180.000 một tháng trước, trong bối cảnh nhu cầu mua vé ít đi chỉ vài ngày trước lễ khai mạc dự kiến diễn ra vào ngày 26/7.
Theo trang website bán lại vé chính thức của Olympic Paris, nhiều vé được rao bán là những tấm vé đắt đỏ cho lễ khai mạc, với giá 2.970 euro (3.222 USD).
Tác giả bài báo chỉ ra nhu cầu thị trường thứ cấp đối với những chiếc ghế đắt tiền này tương đối kém nên đã làm dấy lên lo ngại rằng nhiều vận động viên sẽ thi đấu trong bối cảnh xung quanh là những chiếc ghế trống.
Theo quy định, những người mua vé trong đợt bán vé đầu tiên phải mua vé của 3 sự kiện riêng biệt được gom sẵn thành một nhóm. Sau đó, thông qua kênh chính thức, các khách hàng có thể bán lại phần vé của sự kiện họ không muốn tham dự.
Tuy nhiên, nhu cầu trên thị trường thiếu khiến nhiều vé đã bán kèm trong đợt rao thứ nhất không bán được, trong khi ban tổ chức vẫn tiếp tục phát hành thêm vé.
Chủ tịch Ban tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Paris 2024 Tony Estanguet ngày 21/7 cho biết vẫn còn hàng trăm nghìn vé chưa bán, ngoài những vé được liệt kê trên trang bán lại chính thức. Tuy nhiên, ông lưu ý kỷ lục 8,8 triệu vé đã được bán ra.
Theo FT, người hâm mộ vẫn có thể mua vé cho các sự kiện được mong đợi như trận chung kết điền kinh 100 mét của nam, dao động từ 295 euro đến 980 euro. Trong khi đó, 4.000 vé, khởi đầu từ 900 euro, vẫn còn dư cho lễ khai mạc.
Thế vận hội Olympic 2024 sẽ được tổ chức tại Paris từ ngày 26/7 đến ngày 11/8. Lễ khai mạc dự kiến sẽ có sự góp mặt của 3.000 vũ công, nhạc sĩ và diễn viên biểu diễn dọc bờ sông Seine. Đây sẽ là lần đầu tiên lễ khai mạc Thế vận hội diễn ra bên ngoài một sân vận động.
Pháp đang phải đối mặt với hóa đơn gần 9 tỷ euro (9,5 tỷ USD) cho việc tổ chức Thế vận hội Paris, nhưng các quan chức hàng đầu cho rằng lợi ích tài chính của sự kiện này có thể mang tính "tâm lý" nhiều hơn là kinh tế.
Theo Trung tâm Luật và Kinh tế Thể thao (CDES), đơn vị đang theo dõi Thế vận hội Paris cho IOC và ban tổ chức, sự kiện này sẽ tạo ra từ 6,7-11,1 tỷ euro lợi ích kinh tế cho vùng Paris. Nhưng CDES cũng nói thêm rằng những lợi ích này sẽ được trải dài trong 20 năm.
Trong một nghiên cứu hồi tháng 6, Deutsche Bank cho biết "các quốc gia đăng cai Thế vận hội hoặc FIFA World Cup hiếm khi “có lãi” về kinh tế hoặc thậm chí là xã hội từ những khoản đầu tư thường rất lớn bằng tiền ngân sách chính phủ vào các sân vận động mới và cơ sở hạ tầng công cộng". Ngân hàng này cho biết ngay cả tác động thúc đẩy trong ngắn hạn đối với đầu tư và việc làm cũng là rất nhỏ, trừ khi quốc gia chủ nhà đang trải qua suy thoái.
Theo Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau, Thế vận hội Paris sẽ có nhiều tác động "tâm lý" hơn là kinh tế. Nhưng ông cho rằng nếu Pháp có thể cải thiện hình ảnh của mình trên toàn thế giới thông qua Thế vận hội, thì cuối cùng nước này có thể mong đợi các khoản đầu tư mới.