Hãng tin Reuters cho biết thông tin trên do Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia, ông Jaroslav Nad đưa ra ngày 22/3. Theo đó, Slovakia được mua số trực thăng trên của Mỹ với giá 340 triệu USD (trả trong vòng 3 đến 4 năm) thay vì mức giá hơn 1 tỷ USD. Trong một bài đăng trên Facebook, ông Nad cho biết thêm phần còn lại sẽ được chi trả theo chương trình Tài trợ Quân sự Nước ngoài của Mỹ.
Tuy nhiên, chính phủ Slovakia vẫn phải phê duyệt hợp đồng mua trực thăng này. Hợp đồng gồm có cả phụ tùng, dịch vụ huấn luyện sử dụng và hơn 500 tên lửa AGM-114 Hellfire II.
Ông Nad nói: “Đề nghị này cực kỳ có lợi và sẽ tăng cường đáng kể tiềm năng quốc phòng của Slovakia”.
Slovakia là một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nằm ở sườn phía Đông của liên minh này và hiện không có máy bay trực thăng chiến đấu.
Slovakia đã cho phi đội máy bay MiG ngừng hoạt động vào mùa hè năm ngoái và dựa vào các nước láng giềng Trung Âu là Cộng hòa Séc, Ba Lan và Hungary để được hỗ trợ phòng không.
Tuần trước, Slovakia đã trở thành thành viên NATO thứ hai cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine - quốc gia đang rất cần chiến đấu cơ trong xung đột với Nga. Slovakia cũng sẽ cung cấp một phần hệ thống phòng không KUB của mình cho Ukraine.
Ông Nad cho biết ngoài việc được mua trực thăng Mỹ với giá rẻ, Slovakia sẽ nhận được khoản bồi hoàn 250 triệu euro của Liên minh châu Âu (EU).
Có được hợp đồng mua máy bay trực thăng Mỹ giá rẻ một phần là nhờ Slovakia hỗ trợ Ukraine và cũng là khoản đền bù gián tiếp cho việc chậm giao máy bay chiến đấu F-16 mà nước này đã đặt hàng vào năm 2018.
Trước đó, có một số ý kiến cho rằng chính phủ Slovakia hiện nay có thể vi hiến khi gửi chiến đấu cơ cho Ukraine. Hiến pháp Slovakia quy định rằng một chính phủ thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ không được phép đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại quan trọng. Trong khi đó, chính phủ Slovakia vừa thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng 12 năm ngoái.
Để bỏ qua điều này, chính phủ Slovakia đã quyết định chuyển giao máy bay chiến đấu theo một hiệp ước quốc tế mà họ có thể áp dụng. Quyền Thủ tướng Slovakia Eduard Heger giải thích rằng việc chuyển giao chiến đấu cơ sẽ dựa trên hiệp ước quốc tế mà Slovakia đã ký với Ukraine. Ông nói: “Tôi đã nói rằng chúng tôi chỉ làm điều đó khi chúng tôi chắc chắn và phù hợp với hiến pháp”.
Tuy nhiên, ông Marek Káčer tại Đại học Trnava nêu quan điểm: “Việc chính phủ không có ý định đệ trình hiệp ước quốc tế liên quan lên Quốc hội để xin sự đồng ý là điều đáng nghi ngờ về mặt hiến pháp… Hiến pháp Slovakia quy định rõ ràng rằng cần có sự đồng ý của Quốc hội để các hiệp ước quốc tế có tính chất quân sự có hiệu lực".
Trước Slovakia, ngày 16/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này sẽ cung cấp 4 máy bay MiG-29 cho Ukraine trong những ngày tới, trở thành quốc gia thành viên NATO đầu tiên gửi chiến đấu cơ cho Ukraine.
Theo ông Duda, Ba Lan có trên 10 chiếc MiG-29 mà nước này nhận được từ Đức trong những năm 1990, chúng đang hoạt động và làm nhiệm vụ bảo vệ không phận đất nước. Những chiếc máy bay này đã hết niên hạn sử dụng nhưng vẫn hoạt động bình thường.
Ông Duda nhấn mạnh Cộng hòa Séc và Ba Lan là những quốc gia tiên phong trong hỗ trợ Ukraine, cả ở cấp độ nhân đạo và quân sự. Ba Lan cũng là nước đầu tiên trong số các đồng minh phương Tây chuyển giao xe tăng Leopard hiện đại cho Ukraine. Warsaw cũng sẽ cung cấp 60 xe tăng PT-91 Twardy cho Kiev.
Về phần mình, Nga đã khẳng định rằng dòng vũ khí phương Tây tràn vào Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi kết quả. Hai tuần trước, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo việc cung cấp máy bay chiến đấu nói riêng là “lằn ranh đỏ có thể đặt phương Tây vào cuộc chiến chống Nga”.