Trước đó, Riyadh vẫn luôn khước từ kêu gọi của Mỹ về tăng sản lượng bất chấp dầu thô leo lên mức giá 120 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua, làm dấy lên lo ngại khủng hoảng năng lượng có thể còn xấu hơn nữa vào cuối năm nay. Saudi Arabia tin rằng cần phải dự trữ công suất tiềm năng dư thừa.
Sau khi đạt đồng thuận về lệnh trừng phạt một phần nhằm vào dầu mỏ nhập khẩu từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) và Anh vừa ký thỏa thuận cấm cung cấp bảo hiểm cho tàu chở dầu Nga, có hiệu lực vào cuối năm nay – một động thái mà giới phân tích cho rằng sẽ làm suy yếu khả năng của Moskva trong tái phân phối nguồn dầu thô ra các khu vực, thị trường khác.
Theo nguồn thạo tin ẩn danh, Saudi Arabia nhận thức rõ nguy cơ và bảo lưu quan điểm mất khả năng kiểm soát giá dầu sẽ làm tổn hại tới lợi ích của Riyadh. Giới chức nước này cho rằng thị trường dầu mỏ đương nhiên đang gặp căng thẳng, đẩy giá dầu tăng, nhưng không xuất hiện thiếu hụt nguồn cung thực chất.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi khi kinh tế toàn cầu phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19, trong đó có việc mở cửa trở lại nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, cầu tiêu thụ dầu thô tăng vọt, trong khi triển vọng sản lượng khai thác của Nga sụt giảm ngày một rõ. Nga chiếm 10% sản lượng dầu thô toàn cầu tính ở thời điểm trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine.
Xuất hiện căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Saudi Arabia kể từ sau khi ông Joe Biden lên nhậm chức. Nhưng các chuyến thăm tới Riyadh trong vài tuần qua của nhiều quan chức Mỹ, như Điều phối viên chính sách Trung Đông của Nhà Trắng Brett McGurk hay Đặc phái viên Mỹ về Năng lượng Amos Hochstein, đã giúp cải thiện tình hình.
Nguồn thạo tin tham gia vào tiến trình trao đổi giữa Mỹ và Saudi Arabia cho biết Riyadh đã đồng ý thay đổi cách tiếp cận về giảm nhiệt giá dầu, coi đây là một phần trong kế hoạch tái lập quan hệ tích cực với chính quyền Joe Biden. Saudi Arabia đưa ra lời bảo đảm sẽ tăng sản lượng khai thác một khi thị trường dầu mỏ va phải cú sốc về nguồn cung.