Dẫn một thông báo của chính phủ Hungary ngày 10/10, kênh truyền hình RT đưa tin Budapest và Belgrade sẽ xây dựng một đường ống mới để cung cấp dầu thô Ural của Nga cho Serbia thông qua hệ thống năng lượng Druzhba.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh việc vận chuyển dầu Nga của Belgrade qua Croatia đang bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).
“Đường ống dẫn dầu mới liên kết với đường ống Hữu nghị Druzhba sẽ cho phép Serbia nhận dầu thô Urals với giá rẻ hơn”, phát ngôn viên chính phủ Hungary Zoltan Kovacs đăng trên tài khoản Twitter.
Druzhba là một trong những hệ thống đường ống dẫn dầu dài nhất thế giới, với 4.000 km vận chuyển dầu thô từ Nga đến các nhà máy lọc dầu ở Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan và Slovakia.
Người phát ngôn của chính phủ Hungary giải thích nguồn cung cấp dầu của Serbia chủ yếu thông qua đường ống dẫn qua Croatia, nhưng điều này khó có thể thực hiện được trong tương lai vì các lệnh trừng phạt đã được thông qua.
Tuần trước, EU đã nhất trí về các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm giới hạn giá dầu và việc vận chuyển dầu thô Nga bằng đường hàng hải tới các nước thứ ba.
Serbia cho hay bằng cách áp đặt các lệnh trừng phạt mới, EU đang nhắm vào nước này. Ngày 7/10, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cảnh báo lệnh cấm dầu Nga vận chuyển qua đường hàng hải và bơm qua Croatia sẽ làm tăng chi phí nhiên liệu thô của Serbia lên 20%, từ đó dẫn đến thất thoát hàng trăm triệu euro của ngân sách nước này.
Hungary - quốc gia cùng với Serbia phụ thuộc chủ yếu vào dầu khí của Nga – lên án các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga, cho rằng các biện pháp này sẽ khiến giá năng lượng tăng thêm nữa. Đầu tháng này, Budapest cam kết sẽ giúp đỡ khí đốt cho Serbia nếu cần. Thủ tướng Viktor Orban tiết lộ Hungary có dự trữ lượng khí đốt kéo dài 5-6 tháng.
Về phần mình, EU cảnh báo việc Serbia không tham gia các lệnh trừng phạt Nga có thể cản trở tham vọng gia nhập Liên minh này. Theo trang tin Euronews, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas ngày 9/10 cho biết việc Serbia không ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga có thể đe dọa tham vọng gia nhập EU của nước này.
Trước đó Nghị viện châu Âu (EP) cũng thông báo sẽ yêu cầu đình chỉ các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU của Serbia do nước này từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của khối đối với Nga.