Haiyan, cơn bão lớn nhất thế giới năm 2013 và có thể là lớn nhất từ trước đến nay, đã tràn vào Philippines ngày 8/11, làm ít nhất 3 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà bỏ cửa đi tránh bão.
Tan hoang
Siêu bão cấp 5 này đã tràn vào cực bắc của tỉnh Cebu, quét qua đảo Leyte và Samar với sức gió 315 km/h, gây sóng cao tới 5-6 mét. Các hòn đảo này đang ở trong tình trạng tan hoang: Cây cối bật gốc, cột điện gẫy gục, nhà cửa đổ nát, mọi đường dây liên lạc đều bị cắt đứt, mưa to và gió rất mạnh. Toàn bộ đảo Samar đã bị mất điện. Mây đen và mưa to khiến cho ban ngày cũng giống ban đêm.
Sóng lớn khi bão Haiyan đổ bộ vào thành phố Legaspi, tỉnh Albay, phía nam Manila ngày 8/11.AFP/TTXVN |
Làng chài Guiuan, nơi ở của 40.000 dân và là nơi đầu tiên bị bão quét qua, đã bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Thiệt hại ở đây có thể sẽ là thảm họa.
Thành phố Tacloban gần đó với 200.000 dân cũng ngả nghiêng trong bão khi gió làm tốc các tấm lợp kim loại trên nóc nhà và thổi tung chúng trên không như những chiếc diều. Lũ quét đã khiến đường phố Tacloban thành sông. Thậm chí, một hình ảnh trên truyền hình còn cho thấy sáu ngôi nhà bằng tre bị cuốn dọc bờ biển cách 200 km về phía nam.
Theo dự báo, Haiyan có thể “tha” cho thủ đô Manila, mặc dù thành phố này sẽ chịu những cơn mưa to và gió cũng tương đối mạnh. Manila đã được đặt trong tình trạng cảnh báo mức thấp.
Chính quyền Philippines đã ra lệnh ngừng mọi chuyến phà và hoạt động đánh bắt cá. Gần 200 chuyến bay nội địa đã bị hủy. Dịch vụ xe buýt cũng tạm ngừng hoạt động. Trường học, văn phòng, cửa hàng ở miền trung Philippines đều đóng cửa, trong khi nhân viên bệnh viện, nhân viên cứu hộ và binh sĩ được lệnh sẵn sàng cứu hộ và cấp cứu nạn nhân. Ba máy bay chở hàng, 20 tàu hải quân và 32 máy bay, trực thăng quân sự đã ở trong tình trạng trực chiến.
Trước khi siêu bão tràn vào, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã yêu cầu người dân và mọi lực lượng chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bão Haiyan. Tổng thống nói: “Không có cơn bão nào có thể khiến người Philippines quỳ gối nếu chúng ta đoàn kết”.
Theo lệnh của chính quyền, khoảng 1 triệu người ở những khu vực nguy hiểm thuộc 20 tỉnh đã đến các trung tâm sơ tán trong khi hàng triệu người ở nơi an toàn hơn không dám ra ngoài đường. Những nơi nguy hiểm là những khu vực ven sông, làng duyên hải và gần núi có nguy cơ lở đất.
Cuồng phong
Theo các chuyên gia, những cơn gió cuồng nộ của Haiyan có thể lật tung nóc và xé rách những bức tường của cả các tòa nhà có khả năng chống bão.
Năm 2012, Philippines từng hứng chịu cơn bão mạnh nhất thế giới tên là Bopha khiến 2.000 người chết và mất tích trên đảo Mindanao, gây thiệt hại 1,04 tỷ USD. Tuy nhiên, Bopha vẫn chưa “nhằm nhò” gì so với Haiyan. Sức gió của Haiyan khiến nó trở thành một trong bốn cơn bão mạnh nhất trên thế giới từng đổ bộ vào đất liền.
Xét về đường kính, siêu bão Haiyan lớn đến mức có lúc những đám mây của nó đã che phủ tới 2/3 diện tích Philippines.
Cơ quan khí tượng thủy văn Philippines dự báo Haiyan sẽ rời Philippines vào ngày hôm nay (9/11), tiếp tục tràn vào Việt Nam, Lào, Trung Quốc với sức tàn phán thậm chí còn mạnh hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng dòng nước biển ấm ở Thái Bình Dương là nguyên nhân chính khiến Haiyan trở thành siêu bão, nhưng vẫn còn quá sớm để cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân.
Trung bình có 20 cơn bão quét qua Philippines hàng năm. Năm 2011, bão Washi đã giết chết 1.200 người, khiến 300.000 người rời nhà cửa, phá hủy 10.000 ngôi nhà. Haiyan là cơn bão thứ 24 tràn vào Phillippines năm 2013.
Thùy Dương