Cửa hàng Gun City dự kiến khai trương vào tháng 8 tới. Sự việc này đang khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Người dân New Zealand không muốn nhìn thấy súng sau khi chứng kiến 51 người thiệt mạng trong vụ thảm sát bằng súng giữa tháng 3 vừa qua.
Kênh truyền hình RT trích lời người dân sống gần khu vực được chọn làm nơi mở cửa hàng súng mới cho biết họ không hài lòng với việc nhìn thấy súng ngay trước cửa nhà.
Một người dân địa phương tên Harry Singh nói: “Chúng ta chứng kiến một vụ sự cố lớn ở New Zealand liên quan tới súng. Tôi nghĩ nhiều người sẽ không thoải mái khi có súng xung quanh khu vực sinh sống. Ít nhất giới chức phải thông báo trước cho chúng tôi hoặc lấy ý kiến người dân”.
“Điều này quả thực kinh khủng ngay sau sự kiện 15/3”, luật sư cộng đồng Christchurch Mark Peters trả lời kênh truyền hình 1 NEWS.
Bên cạnh phần lớn người dân phản đối ý tưởng này, vẫn còn một bộ phận cho rằng doanh nghiệp hoàn toàn có quyền mở một cửa hàng tại khu vực và cho rằng mong đợi chủ doanh nghiệp hỏi ý kiến công chúng khi mở cửa hàng là điều phi thực tế.
Trong một tuyên bố gần đây, Hội đồng thành phố Christchurch cho biết mặc dù có xem xét đến tính nhạy cảm của vấn đề song về mặt pháp lý, không có quy định nào ngăn doanh nghiệp vũ khí mở cửa.
Hơn thế nữa, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Canterbury Leeann Watson tuyên bố điều quan trọng là các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào Christchurch và đây là một ví dụ điển hình về một doanh nghiệp đã làm điều đó.
Gun City đã được chính quyền địa phương cấp giấy phép cho kinh doanh trở lại vào tháng 1 – hai tháng trước khi xảy ra vụ tấn công hai nhà thờ Hồi giáo.
Tên Brenton Tarrant 28 tuổi đã cướp đi sinh mạng của 51 người vô tội trong cuộc tấn công ngày 15/3 đó. Theo kết quả điều tra, Tarrant đã sử dụng súng trường tự động mua tại chuỗi cửa hàng Gun City.
Vụ thảm sát kinh hoàng trên đã đưa luật kiểm soát súng đạn của New Zealand trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng chính những quy định lỏng lẻo về sở hữu súng đạn là một yếu tố khiến nghi phạm Brenton Tarrant quyết định xả súng ở thành phố Christchurch.
New Zealand gần như là nước duy nhất, ngoại trừ Mỹ, có tới 96% số súng đạn lưu hành không phải đăng ký. Vụ xả súng ở Christchurch đã bộc lộ những lỗ hổng trong luật sở hữu súng đạn tại New Zealand và là lý do buộc chính phủ có các biện pháp khẩn cấp thắt chặt luật sử dụng súng, đồng thời khuyến khích người sở hữu súng tự giác giao nộp vũ khí không cần thiết.
Tháng 4 vừa qua, các nhà lập pháp New Zealand cũng đã đưa ra luật mới cấm súng bán tự động kiểu quân đội. Theo luật, đến tháng 12, chủ loại vũ khí này phải phải giao nộp hết cho cơ quan chức năng và sẽ nhận tiền bồi thường.