Hầu hết các vệ tinh trong không gian đều cách Trái Đất ít nhất 500-800km. Vệ tinh mới cao 1,3m- có tên là Nhà thám hiểm công nghệ hình ảnh Trái Đất cực thấp (Elite)- sẽ bay cách Trái Đất chỉ 250km. Khoảng cách không gian này hầu như chưa được khám phá bởi môi trường khắc nghiệt hơn cho máy móc khi chúng được bao quanh bởi các loại khí có phản ứng cao và ma sát khí quyển. Hiện chỉ có một số ít vệ tinh như vậy đang ở quỹ đạo rất thấp.
Với kích thước bằng một chiếc tủ lạnh nhỏ, Elite là vệ tinh thứ 14 của NTU, đồng thời là vệ tinh lớn nhất và phức tạp nhất cho đến nay. Là một vệ tinh nghiên cứu, Elite dự kiến sẽ dành khoảng 1 năm rưỡi trong không gian để thử nghiệm một số thiết bị mới do chính Singapore sản xuất và xem liệu có thể có nhiều vệ tinh Singapore bay gần Trái Đất hơn không. Vệ tinh sẽ hạ thấp quỹ đạo theo từng giai đoạn, thu thập dữ liệu khi hạ xuống Trái Đất và cháy trong khí quyển. Vệ tinh sẽ không trở thành mảnh vỡ hoặc rác thải vũ trụ.
Ông Lim Wee Seng, Giám đốc điều hành của Trung tâm nghiên cứu vệ tinh cho biết vì Elite sẽ cách Trái Đất bằng một nửa khoảng cách so với vệ tinh thông thường nên nó có thể chụp được những hình ảnh chất lượng tốt hơn với độ phân giải lên đến 50 cm. Viễn thông cũng có thể được cải thiện vì một vệ tinh gần Trái Đất hơn sẽ làm giảm độ trễ mạng. Với ít tàu vũ trụ hơn trên quỹ đạo 250km, Elite sẽ có thể di chuyển trong không gian mà không có nguy cơ va chạm với một phương tiện khác hoặc vệ tinh không sử dụng.
Singapore không phải là quốc gia có ngành không gian vũ trụ phát triển, nhưng thị trường ngách của nước này nằm ở việc chế tạo các thiết bị không gian công nghệ cao và vệ tinh nhỏ. Tại Singapore có hơn 60 công ty công nghệ không gian trong nước và quốc tế, với tổng cộng hơn 2.000 chuyên gia và nhà nghiên cứu. Từ năm 2011 đến nay Singapore đã phóng hơn 30 vệ tinh.