Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ngày 8/4, Singapore ghi nhận thêm 142 ca mắc COVID-19. Ít nhất 40 bệnh nhân trong số đó liên quan đến các khu ký túc xá cho người lao động nước ngoài – nơi ở của phần lớn công nhân thu nhập thấp làm việc trong các ngành xây dựng và sản xuất. Dữ liệu thống kê của Bộ Y tế Singapore cho thấy các ca mắc COVID-19 thuộc nhóm đối tượng này chiếm hơn 15% tổng số ca bệnh toàn quốc.
Trước thực trạng trên, nhà chức trách đã nhanh chóng hành động, cách ly các khu ký túc xá này. Ngày 5/4, Bộ Nhân lực Singapore ra lệnh phong tỏa hai ký túc xá chứa gần 20.000 người sau khi phát hiện các ca nhiễm virus mới tại đây. Ngay ngày hôm sau, một ký túc xá khác rơi vào hoàn cảnh tương tự. Người dân sống trong các ký túc xá được lệnh ở trong phòng 2 tuần. Họ được đảm bảo nhận đủ lương cũng như thực phẩm, đồ thiết yếu hàng ngày.
“Tình hình thật sự hết sức khó khăn, và sẽ trở nên phức tạp”, ông Leong Hoe Nam – bác sĩ chuyên các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Mount Elizabeth (Singapore) – so sánh tình huống này giống như việc các du thuyền có người nhiễm virus SARS-CoV-2, cụ thể là tàu du lịch Diamond Princess. Trong tổng số 3.700 hành khách trên du thuyền của Anh này có đến gần 700 người mắc COVID-19 và có trường hợp tử vong. Các tàu du lịch hạng sang đã như trở thành cơn ác mộng đối với các giới chức y tế.
Mặc dù được thế giới khen ngợi về phản ứng trước dịch COVID-19 ngay từ những ngày đầu bệnh bùng phát, song động thái mới nhất cách ly ký túc xá lao động nhập cư của giới chức Sinagpore khiến nhiều người bày tỏ hoài nghi. Họ lo ngại điều kiện sống tại những ký túc xá chật chội này không cho phép người lao động trong đó thực hiện nghiêm “giãn cách xã hội” – một trong những biện pháp chiến lược ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Người nước ngoài chiếm % lực lượng lao động tại Singapore. Theo dữ liệu của chính phủ cuối năm ngoái, 3/4 lao động trong ngành xây dựng là người nước ngoài, trong khi con số đó trong ngành sản xuất là khoảng 50% và ngành dịch vụ là 30%. Hiện có trên 200.000 người lao động nhập cư từ các quốc gia châu Á đến Singapore làm việc, sinh sống trong tổng cộng 43 khu ký túc.
Các tổ chức từ thiện Singapore chuyên hỗ trợ người lao động nhập cư cho biết ít nhất 10 người ở chung một phòng trong ký túc. “Bệnh truyền nhiễm lây lan qua sự tiếp xúc gần giữa người với người. Thực tế, yêu cầu người lao động ở trong phòng sẽ chỉ càng làm tăng tiếp xúc, chứ không giảm”, Alex Wu – Phó Chủ tịch quỹ từ thiện Transient Workers Count Too – bày tỏ lo lắng.
Ký túc xá Westlite Toh Guan là một trong hai cơ sở bị cách ly vào hôm 5/4. Tổng cộng có 6.800 người đang sinh sống trong 7 phòng. Mỗi phòng có nhà tắm, nhà vệ sinh, bếp và không gian sinh hoạt chung. Giống như những khu cách ly khác, người dân tại đây hàng ngày nhận được một bộ đồ dùng chăm sóc y tế, bao gồm khẩu trang, dung dịch rửa tay và nhiệt kế.
Ah Hlaing – lao động người Myanmar đang làm việc cho một trung tâm chăm sóc người cao tuổi – chia sẻ phòng ký túc với 10 người khác. Cô cho biết mặc dù lúc đầu không thoải mái với lệnh cách ly song cô biết rõ điều đó là cần thiết. “Chúng tôi phải chấp nhận. Vào thời điểm này, chúng tôi không thể làm gì”.
Trong bối cảnh COVID-19 hoành hành toàn cầu, không gian đông người như các khu ký túc xá cách ly tại Singapore “tạo ra mối nguy lây nhiễm cho bất kỳ ai”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.
“Trong thời gian thực hiện cách ly, duy trì khoảng cách an toàn là một thách thức. Với điều kiện sống như vậy, mọi người phải tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn về việc rửa tay thường xuyên và các cách phòng ngừa khác để giữ cho bản thân cũng như người xung quanh khỏe mạnh, từ đó ngăn ngừa dịch bệnh lây lan”, người phát ngôn của WHO bình luận qua email khi được hỏi về tình hình tại Singapore.
Người phát ngôn cho biết Singapore cũng đã có những hỗ trợ tại hiện trường, cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người sống trong ký túc xá cũng như đặt ra các biện pháp phòng ngừa.
Cho đến nay, chính phủ nước này đã đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu quanh ký túc xá như phòng tập thể dục và thư viện, ngăn chặn sự tương tác giữa các tòa nhà. Với mỗi hai ký túc xá, giới chức thành lập một cơ sở y tế cơ bản, đảm bảo sức khỏe cho người dân sống bên trong cũng như tìm ra các ca mắc mới, nhằm giảm nguy cơ lây lan.