Những công dân Singapore cần xuất ngoại trong trường hợp ngoại lệ có thể được tiêm sớm.
Trong khi đó tất cả các trung tâm tiêm chủng khác và các phòng khám sẽ tiếp tục sử dụng vaccine của Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức). Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết mỗi trung tâm sẽ chỉ lưu trữ và tiêm một loại vaccine. Các cá nhân khi đặt lịch tiêm phải lựa chọn cùng một trung tâm tiêm chủng cho cả hai mũi tiêm của mình. Công suất tiêm ở mỗi trung tâm tiêm chủng là khác nhau.
Ngoài 2 loại vaccine trên, vaccine Sinovac của Trung Quốc cũng đã có mặt tại Singapore hồi cuối tháng 2 vừa qua nhưng chưa được triển khai tiêm vì chưa có đánh giá về độ an toàn và hiệu quả tại nước này. MOH hy vọng đến giữa tháng 4, khi Singapore có tổng cộng 40 trung tâm và hơn 40 phòng khám tiêm phòng vaccine, nước này có thể triển khai tiêm cho 80.000 người/ngày.
Tính đến ngày 15/3, hơn 549.000 người tại Singapore đã được tiêm mũi thứ nhất, trong đó có khoảng 243.000 đã được tiêm mũi thứ hai - hoàn thành chương trình tiêm chủng đầy đủ. Kể từ khi chiến dịch tiêm phòng vaccine cho người cao tuổi được trên khai trên toàn quốc từ ngày 22/2, hơn 175.000 người cao tuổi tại Singapore đã được tiêm mũi thứ nhất và dự kiến sẽ có thêm khoảng 230.000 người cao tuổi sẽ được tiêm mũi đầu tiên trong vài tuần tới. MOH cho biết chính phủ đang tăng cường thành lập nhiều trung tâm tiêm chủng hơn trên cả nước để đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng và đem lại sự thuận tiện hơn cho người dân.
Vaccine tiếp tục được coi là yếu tố then chốt để kiểm soát dịch bệnh. Singapore và Australia đang thảo luận về việc thiết lập hệ thống hộ chiếu vaccine số để có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đi lại giữa hai nước vào giữa năm nay.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison thông báo nước này sẽ gửi 8.000 liều vaccine ngừa COVID-19 cùng các hỗ trợ y tế khác cho Papua New Guinea nhằm hỗ trợ quốc đảo ở Thái Bình Dương này trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ông Morrison cũng cho biết Chính phủ Australia đang liên hệ với hãng dược AstraZeneca (Anh) và các nhà chức trách châu Âu để yêu cầu chuyển 1 triệu liều mà Australia đã đặt hàng đến Papua New Guinea. Cùng với vaccine, Australia sẽ gửi các dụng cụ y tế đến Papua New Guinea bao gồm 1 triệu khẩu trang phẫu thuật, 200.000 khẩu trang, 100.000 áo phòng hộ, 100.000 kính bảo hộ, 100.000 đôi găng tay, 100.000 chai chất khử trùng, 20.000 tấm che mặt và 200 máy thở không xâm lấn.
Bên cạnh những hỗ trợ cho Papua New Guinea, Thủ tướng Morrison cũng cho biết Australia sẽ tạm dừng các chuyến bay chở khách di chuyển giữa thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea và sân bay tại Cairns của Australia. Các chuyến bay chở hàng vẫn được phép hoạt động bình thường.
Papua New Guinea đang đối mặt sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19. Tính đến ngày 17/3, Papua New Guinea đã ghi nhận 2.269 ca mắc và 26 trường hợp tử vong.
Ngày 16/3, một đại diện của Bộ Tài chính Israel tiết lộ đến nay nước này đã chi khoảng 2,6 tỷ NIS (788,86 triệu USD) để mua khoảng 15 triệu liều vaccine ngừa COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, phát biểu tại một phiên làm việc với Ủy ban Tài chính Quốc hội Israel, quan chức trên cho biết thêm Israel còn mua thêm các lô vaccine khác trị giá 2,5 tỷ USD (758,5 triệu USD) để đề phòng có thể sử dụng trong mùa Hè tới. Như vậy, tổng số tiền mà Israel đã chi để mua vaccine ngừa COVID-19 đến nay lên tới 5,1 tỷ NIS (1,54 tỷ USD).
Sau 3 tháng triển khai tiêm chủng toàn quốc, đến nay có khoảng 5,2 triệu người dân Israel trên tổng số hơn 9 triệu dân đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên và 4,29 triệu người đã được tiêm đủ hai mũi.