Theo Chính phủ Singapore, mặc dù số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Singapore vẫn tăng do có sự lây lan giữa những lao động nước ngoài sống tại các khu chung cư đông đúc, song tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng đã giảm. Do đó, chính phủ quốc gia Đông Nam Á này lên kế hoạch mở lại nền kinh tế theo từng giai đoạn.
Theo đó, 5 tuần sau khi đóng cửa, các cửa tiệm làm đầu và cắt tóc, các công ty chế biến thực phẩm, các cửa hàng bán lẻ, các tiệm giặt là có thể mở lại với các biện pháp giám sát y tế chặt chẽ. Các cửa tiệm làm đầu chỉ nhận khách đã đặt trước và phải dán yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang trước khi vào cửa hàng.
Giới chức Singapore cũng khuyến cáo người dân nước này không nên ồ ạt ra đường không có lý do để giữ an toàn cho đất nước. Theo Bộ Y tế Singapore, ngày 12/5, nước này ghi nhận thêm 884 trường hợp mắc COVID-19, đưa số ca mắc bệnh ở đảo quốc này lên 24.671 người, trong đó có 21 người tử vong, Khoảng 90% số người mắc COVID-19 tại Singapore liên quan đến các khu tập thể dành cho người lao động nước ngoài.
Cũng trong ngày 12/5, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 từ ngày 16/5 tới. Một số công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ở thủ đô Manila sẽ được phép mở cửa trở lại với 50% công suất. Bên cạnh đó, Tổng thống Duterte cũng khuyến cáo người dân khi quay lại làm việc phải tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn. Theo ông, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế không có nghĩa dịch COVID-19 đã được đẩy lui và quốc gia Đông Nam Á này không thể chống đỡ làn sóng thứ 2 của dịch bệnh.
Tính đến nay, Philippines ghi nhận tổng cộng 11.086 người mắc COVID-19, trong đó có 726 người tử vong.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đã công bố chương trình phục hồi kinh tế trị giá 318.090 tỷ rupiah (21,28 tỷ USD) nhằm hỗ trợ, duy trì và củng cố các doanh nghiệp, trong đó tập trung bơm vốn cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ.
Theo quy định về chương trình phục hồi kinh tế quốc gia có hiệu lực hôm 11/5, Chính phủ Indonesia sẽ triển khai các nỗ lực nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Các nỗ lực này sẽ được thực hiện thông qua việc bơm vốn nhà nước cho một số ngân hàng và công ty bảo hiểm quốc doanh. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể thực hiện chương trình này thông qua các chính sách chi tiêu công.
Truyền thông địa phương cho biết chính phủ sẽ phân bổ hơn 152.000 tỷ rupiah cho các SOE, trong đó cấp 8.500 tỷ vốn lưu động cho hãng hàng không quốc gia Garuda, cũng như có kế hoạch dành 25.000 tỷ rupiah nhằm hỗ trợ lĩnh vực du lịch dưới hình thức giảm giá vé máy bay, giá phòng khách sạn, cũng như cung cấp các phiếu mua tour giảm giá trên các ứng dụng trực tuyến.
Ngoài ra, quy định về chương trình phục hồi kinh tế quốc gia cũng cho phép chính phủ gửi tiền với lãi suất nhất định tại các ngân hàng nhằm tăng thanh khoản, phục vụ cho việc tái cơ cấu nợ và cung cấp thêm các khoản vay cho các doanh nghiệp. Các ngân hàng này phải có ít nhất 51% cổ phần thuộc sở hữu của các cá nhân hoặc tổ chức trong nước, được xếp loại lành mạnh theo đánh giá của Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK), và nằm trong số 15 ngân hàng lớn nhất Indonesia về giá trị tài sản.
Chính phủ Indonesia cũng sẽ được phép đầu tư dài hạn vào các cổ phiếu, các loại giấy nợ và/hoặc đầu tư trực tiếp nhằm thu các lợi ích kinh tế - xã hội và các loại lợi ích khác, đồng thời cũng được phép cung cấp các bảo lãnh tài chính - cả trực tiếp và gián tiếp - cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính tới nay, Chính phủ Indonesia đã phân bổ 63.010 tỷ rupiah cho các chương trình ưu đãi thuế dành cho các doanh nghiệp và 6.000 tỷ rupiah nhằm bảo lãnh các khoản vay mới của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Ngoài 4 nỗ lực trên, Chính phủ Indonesia có thể hỗ trợ lãi suất với tổng trị giá 34.150 tỷ rupiah dành cho các MSME và các hợp tác xã, cũng như phát hành trái phiếu nhằm tài trợ cho chương trình phục hồi kinh tế. Theo Sắc luật tổng thống số 1/2020, Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) được phép mua trái phiếu chính phủ tại các phiên đấu giá, thay vì chỉ trên thị trường thứ cấp như trước đây.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers, tính đến nay, Indonesia ghi nhận 14.749 ca mắc COVID-19, trong đó có 1.007 ca tử vong.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Lào, tại cuộc họp báo chiều 12/5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này không phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19 mới trong 30 ngày liên tiếp. Tính tới nay, Lào ghi nhận 19 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 14 người đã bình phục.
Cục Quản lý Xuất - Nhập cảnh, Bộ An ninh Lào cũng vừa ra thông báo cho biết nước này sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện thông báo số 703/CXNC, ban hành ngày 30/3/2020, về tăng cường quản lý nghiêm ngặt việc xuất - nhập cảnh trong giai đoạn chống dịch COVID-19. Theo đó, các chuyên gia, kỹ thuật viên, lao động của các dự án xây dựng đường sắt, đường cao tốc, các dự án quan trọng cần thiết có thể xuất - nhập cảnh Lào nhưng phải có sự cho phép của Ủy ban Chỉ đạo Trung ương Lào về phòng chống COVID-19 và Bộ Ngoại giao Lào, đồng thời phải thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế và các quy định liên quan.
Thông báo cũng nghiêm cấm các cơ quan chức năng Lào không được phạt quá hạn lưu trú đối với người nước ngoài và người không có quốc tịch được phép xuất cảnh Lào trong giai đoạn này.