Mặc dù không bị tác động nhiều bởi làn sóng người di cư, kể cả thời điểm Hungary đóng cửa biên giới và Macedonia tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới với Hy Lạp, Ngoại trưởng Slovenia Karl Erjavec tuyên bố quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận tối đa 2.000 người di cư từ Italy và Hy Lạp để giúp các nước này giảm tải số lượng người xin tị nạn.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị Slovenia tiếp nhận tổng cộng 2.128 người di cư. Ljubljana đã phản đối đề nghị này với lý do không có đủ cơ sở hạ tầng để tiếp nhận số người trên và đề nghị chỉ nhận một phần rất nhỏ. Tuy nhiên, những diễn biến của cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu trong những ngày qua đã khiến Slovenia thay đổi lập trường.
Một người di cư trốn dưới một toa tàu ở thị trấn Gevgelija thuộc Macedonia ngày 31/8. Ảnh: AP |
Cùng ngày, chính phủ Anh tuyên bố sẽ tiếp nhận 15.000 người tị nạn Syria nhằm giúp giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng người di cư đang đẩy châu Âu vào tình trạng hỗn loạn. Thủ tướng Anh David Cameron vốn đang chịu sức ép từ cả trong nước và cộng đồng quốc tế cho biết hình ảnh cậu bé 3 tuổi người Syria Aylan Kurdi nằm chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua đã khiến ông xúc động sâu sắc và muốn mở rộng chương trình tiếp nhận người di cư từ những khu vực xung đột, theo đó sẽ tiếp nhận khoảng 15.000 người tị nạn. Ông Cameron cũng tuyên bố sẽ phát động chiến dịch quân sự nhằm đập tan các tổ chức buôn người, một phần nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng người di cư trở nên trầm trọng.
Trước đó, ông Cameron cho biết Anh sẽ tiếp tục tiếp nhận người từ các trại tị nạn, tạo cho họ "con đường đến nước Anh trực tiếp hơn và an toàn hơn việc mạo hiểm lao vào hành trình nguy hiểm đã làm tổn thất nhiều sinh mạng". Tuy nhiên, theo các quan chức Anh, những đối tượng được tiếp nhận có thể là những người đang tá túc trong các trại tị nạn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại khu vực biên giới Syria chứ không bao gồm những người đang tập trung ở thị trấn cảng Calais của Pháp hay các địa điểm khác để tìm cách vào Anh.
Trong khi đó, cùng ngày, cảnh sát Hungary tuyên bố quốc gia này sẽ ngừng hỗ trợ chuyên chở người di cư đến biên giới Áo bằng xe buýt, khẳng định quyết định đưa hàng nghìn người di cư trong đêm 4/9 tới sáng 5/9 là “sáng kiến duy nhất”.
Người di cư vượt qua biên giới sang Áo sau khi được chở bằng xe buýt từ Hungary tới khu vực cửa khẩu giữa Hegyeshalom (Hungary) và Nickeldorf (Áo) ngày 4/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Budapest, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Hungary Karoly Papp nói: “Việc sử dụng xe buýt chở người di cư từ Hungary tới biên giới với Áo là sáng kiến duy nhất và sẽ không có thêm xe nào nữa để chở những người đi bộ trên đường tới Vienne”.
Trong đêm 4/9 và sáng 5/9, hàng nghìn người di cư đã được phía Hungary chở tới biên giới phía tây giáp với Áo. Đến đầu giờ chiều 5/9, có khoảng 6.500 người đã vào lãnh thổ Áo và được chính quyền nước này tiếp nhận trước khi thuê xe buýt và tàu hỏa để chở họ tới Vienne, Salzbourg và sang Đức.
Trước bối cảnh cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Ngoại giao tạm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm trong việc cung cấp viện trợ cho người tỵ nạn Syria.
Phát biểu tại Luxembourg ngày 5/9 nhân hội nghị không chính thức của các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), ông Sinirlioglu cho biết đến nay Thổ Nhĩ Kỳ đã chi tới 6 tỷ USD cho các chương trình dành cho người tỵ nạn Syria, trong khi con số này của cộng động quốc tế chỉ là 417 triệu USD. Theo ông, số người tỵ nạn trên toàn thế giới đã lên tới con số 60 triệu người và Thổ Nhĩ Kỳ trước đây chỉ là "quốc gia quá cảnh", giờ cũng trở thành "mục tiêu" của người tỵ nạn.
Trong khi đó, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp nhận khoảng 2 triệu người tỵ nạn trong khi các quốc gia EU không nhất trí tiếp nhận dù chỉ là 60.000 người theo như đề xuất ban đầu của EC.
Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn, bà Mogherini nhấn mạnh nếu cộng đồng quốc tế không chung tay giải quyết vấn nạn người di cư, không chỉ Italy, Hy Lạp hay Hungary, cuộc khủng hoảng này có thể ảnh hưởng đến nhiều quốc gia thành viên khác trong EU trong tương lai.
Theo ông Asselborn trong số 300.000 người di cư đã tới châu Âu kể từ tháng 1/2015 tới nay có tới 46% là người Syria và 12% là người Afghanistan.