Theo Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, cựu nhân viên tình báo CIA Edward Snowden đã không bị các cơ quan an ninh Nga thẩm vấn trong suốt thời gian anh này ở Nga.Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks. Ảnh: perthnow.com.au |
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng Fairfax Media của Australia ngày 16/8, ông Assange xác nhận rằng nhân viên WikiLeaks đã liên tục đi kèm với Snowden kể từ khi anh này rời Hong Kong (Trung Quốc) đến Moscow vào ngày 23/6 và các cơ quan tình báo Nga chưa phỏng vấn Snowden một lần nào.
"Kể từ khi rời Hong Kong, chúng tôi đã luôn có một người hộ tống Snowden cho đến nay”, ông Assange nói.
Ông Assange cũng khẳng định WikiLeaks luôn "theo dõi tình hình một cách chặt chẽ và các nhà chức trách Nga đã cư xử rất tốt".
"Câu chuyện của Snowden đã vượt qua cả vấn đề tình báo và đã trở thành vấn đề chính trị và ngoại giao" ông Assange nói thêm. Đặc biệt khi được hỏi liệu Snowden đã bị FSB (Cơ quan tình báo Liên bang Nga) hoặc bất kỳ cơ quan tình báo Nga nào khác phỏng vấn hay chưa, ông Assange trả lời: "Không hề có chuyện đó".
Vụ Snowden làm quan hệ Nga - Mỹ gia tăng căng thẳng. Ảnh: businessinsider.com |
Khi được hỏi tại sao WikiLeaks là tổ chức duy nhất có thể can thiệp trực tiếp để hỗ trợ Snowden, tạo thuận lợi để anh này bay từ Hong Kong đến Nga, ông Assange nói rằng đó là một vấn đề "thuộc về kỹ năng và mạng lưới quốc tế đã thực hiện điều đó, cũng giống như những giáo viên thực hành bài giảng của mình".
Tuy nhiên, nhận định trên của Assange cũng khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ đặt câu hỏi rằng: Nếu một nhân viên phân tích tình báo Nga đào thoát sang Mỹ thì liệu FBI và CIA sẽ bỏ qua người đó trong 7 tuần?
Chính phủ Mỹ đã công khai lên án việc Snowden tiết lộ chương trình giám sát tối mật của Cơ quan An ninh quốc gia và đề nghị dẫn độ Snowden về Mỹ để truy tố. Ngày 1/8, Snowden đã được cấp tị nạn tạm thời 1 năm tại Nga. Phản ứng lại với quyết định trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 9 tới.
CT (B.I)