Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, điểm đáng chú ý là số ca nhiễm trong nước cùng ngày cũng cao nhất từ trước tới nay, với 54 ca, trong đó có 24 ca không có mối liên hệ với các trường hợp mắc bệnh COVID-19 trước đó. Như vậy, Singapore hiện ghi nhận tổng cộng 115 ca không có mối liên hệ nào với các ca nhiễm trước đây cũng như không có lịch sử tới các vùng dịch.
Trong các ca nhiễm mới ngày 1/4 có 3 nhân viên y tế gồm 1 bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Ng Teng Fong, 1 nhân viên phòng thí nghiệm và 1 y tá tại Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH). Cả ba nhân viên y tế này đều không có lịch sử tới các vùng dịch cũng như không có mối liên hệ với các ca nhiễm trước đây.
Trả lời phỏng vấn báo Straits Times, Bộ trưởng Phát triển Quốc gia Lawrence Wong, đồng Chủ tịch Lực lượng liên Bộ ứng phó với dịch COVID-19 của Singapore, bày tỏ lo ngại lớn nhất của ông là các ca nhiễm bệnh không rõ nguồn gốc. "Con số này quan trọng hơn nhiều so với tổng số ca nhiễm tại Singapore vì nó cho thấy tốc độ lây lan trong cộng đồng ở mức nào".
Trong diễn biến cùng ngày, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe (CHP) của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố thêm 51 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đặc khu này lên 765 người.
Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, trong các ca nhiễm mới trên có một bé trai sơ sinh 40 ngày tuổi. Bé trai này trước đó đã được một người bạn của cha mẹ bé bế trong tiệc đầy tháng hôm 20/3 và người này chính là ca 462 được xác định nhiễm COVID-19 sau đó.
Cơ quan quản lý bệnh viện Hong Kong cho biết bệnh nhi trên đã được xét nghiệm tại một bệnh viện tư nhân do bị sốt và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhi đã được đưa vào Bệnh viện Queen Elizabeth và tình hình sức khỏe ổn định. Cha mẹ của bé cũng đã được tiến hành xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Cũng trong ngày 1/4, Nam Phi bắt đầu chiến dịch tăng cường sử dụng công nghệ di động để theo dõi các cá nhân tiếp xúc với các ca mắc COVID-19 và triển khai 10.000 nhân viên tới thực địa ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất, đến từng nhà ở cả khu vực nông thôn và thành thị, nhất là những khu vực đã phát hiện các ca mắc bệnh và có nguy cơ lây lan cao để kiểm tra thân nhiệt, giám sát sức khỏe.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, những trường hợp không đảm bảo sức khỏe hoặc có nghi vấn mắc COVID-19 sẽ được kiểm tra kỹ hơn tại các trung tâm xét nghiệm. Những người nhiễm bệnh, nhưng không có hoặc có triệu chứng vừa phải sẽ được cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở tập trung do chính quyền quản lý, trong khi những người có triệu chứng nghiêm trọng sẽ được chuyển đến bệnh viện.
Nam Phi cũng sử dụng công nghệ di động theo dõi rộng rãi và nhanh chóng truy tìm những người đã tiếp xúc với các trường hợp xác nhận nhiễm virus corona, cũng như giám sát vị trí địa lý của các trường hợp mới nhiễm theo thời gian thực. Các biện pháp nói trên là những nỗ lực chưa từng có của Chính phủ Nam Phi nhằm phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19.
Trước đó, Chính phủ Nam Phi đã ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc 21 ngày từ 27/3 - 16/4 nhằm hạn chế tỷ lệ lây nhiễm bệnh. Đây cũng là cơ hội để Nam Phi bắt tay triển khai các biện pháp y tế dự phòng và chủ động nhằm phòng chống COVID-19. Cơ quan thí nghiệm Y tế quốc gia (NHLS) đang được tăng cường để có thể xét nghiệm 36.000 mẫu mỗi ngày so với khoảng 5.000 mẫu hiện nay.