Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, giới chức các địa phương tại Pháp kêu gọi chính phủ áp đặt lệnh cấm tập trung đông người nơi công cộng và cân nhắc lệnh phong tỏa một phần vào cuối tuần.
Không giống như một số quốc gia láng giềng khác, Pháp hiện chưa áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc mới nhằm kiềm chế sự lây lan các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, nhưng hy vọng lệnh giới nghiêm đang có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2020 có thể giúp ngăn chặn dịch bệnh. Pháp đã chấm dứt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 2, kéo dài từ ngày 30/10 đến ngày 15/12 năm ngoái, và chuyển sang áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc kể từ đó. Một trong những điều kiện để chuyển từ lệnh phong tỏa sang lệnh giới nghiêm là khi số ca bệnh trong tình trạng nguy kịch duy trì ở mức 2.500 đến 3.000 trường hợp.
Tuy nhiên, số trường hợp phải điều trị tích cực tại Pháp hiện đã vượt quá 3.400 ca. Cũng trong ngày 23/2, Pháp thông báo có thêm 20.064 ca nhiễm mới, tăng so với số ca ghi nhận cách đó một tuần (với 19.590 ca). Số ca mắc mới theo ngày trung bình trong một tuần tính đến ngày 23/2 ở mức 20.109 ca/ngày, cao nhất kể từ ngày 5/2 vừa qua. Hiện tổng số ca bệnh tại Pháp tăng lên 3,63 triệu người, đứng thứ 6 thế giới, và 85.044 ca tử vong do COVID-19, đứng thứ 7 thế giới.
Lo ngại trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chính quyền thành phố cảng Dunkirk, miền Bắc nước Pháp, kêu gọi chính phủ áp đặt lệnh cấm tất cả hoạt động tập trung đông người nơi công cộng đến ngày 15/3 tới, đồng thời cho rằng đó là "cơ hội" cuối cùng để ngăn chặn số ca nhiễm mới tăng vọt. Thị trưởng thành phố Dunkirk, ông Patrice Vergriete không ủng hộ biện pháp phong tỏa một phần vào cuối tuần như đề xuất của thành phố Nice, nhưng cho biết cũng không phản đối nếu chính phủ áp đặt quy định này.
* Trong khi đó, tại CH Séc, cựu Tổng thống Vaclav Klaus đã mắc bệnh COVID-19. Kể từ khi đại dịch bùng phát tại Séc, ông Klaus, 79 tuổi, đã nhiều lần xuất hiện trước công chúng mà không đeo khẩu trang theo quy định bắt buộc. Tháng 1 vừa qua, ông đã phải nộp phạt 10.000 crown (470 USD) vì vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP, tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 tính theo đầu người của Séc hiện đang ở mức cao nhất thế giới và đứng thứ 2 về tỷ lệ tử vong, sau quốc gia láng giềng Slovakia. Đến nay, Séc ghi nhận tổng cộng 1.1.491 ca nhiễm, trong đó 19.537 ca tử vong do COVID-19.
* Tại khu vực Trung Đông, Bộ Y tế Israel cho biết nước này ngày 23/2 có thêm 4.329 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 758.810 ca. Trong 24 giờ qua, Israel cũng ghi nhận thêm ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 5.631 người.
Hiện số người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Israel đã vượt quá 4,5 triệu người, tương đương 48,4% dân số, kể từ khi nước này triển khai chiến dịch tiêm chủng vào ngày 20/12/2020.
Cùng ngày, Đại học Hebrew của Jerusalem (HUJI) cho biết nhóm nghiên cứu của trường đã giải mã được cấu trúc và chức năng của 3 protein của virus SARS-COV-2 gây bệnh COVID-19. Phát hiện này có thể giúp các nhà khoa học hiểu được cơ chế hoạt động của loại virus gây chết người trên và có thể giúp bào chế ra các loại thuốc cũng như biện pháp mới nhằm chống lại virus SARS-COV-2.