Phó Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan - ông Yongyot Thammawut cho biết các cuộc xét nghiệm hàng loạt mới nhất ở thủ đô và các tỉnh lân cận do 41 đội phản ứng toàn diện COVID-19 (CCR) gồm 400 bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện từ ngày 1-10/8. Các cuộc xét nghiệm cho thấy tình hình lây nhiễm ở thủ đô Bangkok vẫn là một mối quan tâm nghiêm trọng và cần phải thúc đẩy xét nghiệm hàng loạt.
Theo ông Yongyot, nếu các đội CCR với sự tham gia của Hiệp hội bác sĩ nông thôn (RDC) có thể tiếp tục việc xét nghiệm ở Bangkok trong 2 tuần tới, số lượng các ca lây nhiễm nói chung có thể giảm. Việc xét nghiệm này sẽ cho phép người bệnh được điều trị và không tiếp xúc với những người khác, qua đó sẽ giảm lây nhiễm và không để tình trạng của người bệnh diễn biến tồi tệ hơn.
Tại Nhật Bản, nhiều quan chức chính phủ cho rằng nước này không thể dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 5 tỉnh khác vào cuối tháng này theo như kế hoạch ban đầu. Thậm chí, nhiều địa phương đang kêu gọi chính phủ áp đặt các biện pháp quyết liệt hơn để khống chế dịch COVID-19, như yêu cầu các trung tâm thương mại lớn đóng cửa.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nguyên nhân dẫn đến nhận định trên chủ yếu là do chưa có dấu hiệu số ca mắc mới tại Nhật Bản đã đạt đỉnh, trong lúc biến thể nguy hiểm Delta vẫn đang lây lan nhanh. Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura - người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản - đánh giá dịch bệnh đang gia tăng với tốc độ chưa từng có.
Ngày 11/8, Nhật Bản ghi nhận thêm 15.753 ca mắc COVID-19 trên toàn quốc, cao nhất từ trước tới nay. Con số kỷ lục trước đó được ghi nhận vào ngày 7/8, với 15.753 ca. Riêng tại thủ đô Tokyo có thêm 4.200 ca mắc mới. Trong tuần từ ngày 5-11/8, số ca mắc mới bình quân ở thành phố này là 3.983,6 ca/ngày, tăng 14,5% so với một tuần trước đó. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Tokyo cho đến ngày 11/8 là 258.981 người. Các chuyên gia nhận định tình hình dịch COVID-19 ở thủ đô Tokyo có thể xấu đi, bất chấp những tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng.
Trong bối cảnh đó, nhiều người lo ngại hệ thống y tế của Tokyo sẽ sớm rơi vào tình trạng quá tải. Giáo sư y tế cộng đồng Hiroshi Nishiura thuộc trường Đại học Kyoto cho rằng ngay cả trong kịch bản lạc quan về tốc độ lây lan của dịch bệnh trong ngắn hạn, khoảng 6.000 giường mà các bệnh viện ở Tokyo bố trí cho các bệnh nhân COVID-19 sẽ kín chỗ vào giữa tháng 8 này. Vào cuối tháng 8, gần 400 giường bố trí cho các bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cũng sẽ kín chỗ.
Tại Australia, từ 5 giờ chiều 12/8 (giờ địa phương), thủ đô Canberra bắt đầu giai đoạn phong tỏa kéo dài 7 ngày, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sau khi chính quyền địa phương xác nhận một ca mắc mới.
Thủ hiến vùng lãnh thổ thủ đô Australia - ông Andrew Barr nêu rõ: "Đây là nguy cơ sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt tại vùng lãnh thổ thủ đô trong năm nay. Một nguy cơ thực sự, kể từ khi bắt đầu đại dịch”.
Theo ông Barr, ca mắc mới nói trên đã có nhiều tiếp xúc trong cộng đồng kể từ khi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thành phố Canberra 400.000 dân chưa thực hiện phong tỏa kể từ khi lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố trong giai đoạn đầu bùng phát dịch COVID-19 năm 2020.
Sau nhiều tháng theo đuổi chiến lược "không có ca mắc COVID-19", Australia đang gặp khó khăn trong việc cắt đứt chuỗi lây lan của biến thể Delta. Hơn 10 triệu người ở các thành phố lớn nhất của nước này là Melbourne và Sydney đang sống trong cảnh bị phong tỏa.
Tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia 25 triệu dân này đã ghi nhận hơn 37.500 trường hợp mắc COVID-19 và 946 ca tử vong do căn bệnh này.