Nhờ chiến dịch tiêm chủng phát huy hiệu quả, Mỹ - tâm dịch của thế giới, đang ghi nhận những con số tích cực hằng ngày. Từ thời điểm số ca mắc mới lên tới hàng trăm nghìn ca, nay con số này giảm xuống còn 15.000 - 16.000 ca/ngày. Tuy nhiên, Mỹ vẫn đứng đầu danh sách các nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với 34.175.501 ca mắc và 611.630 ca tử vong.
Hiện tốc độ tiêm chủng trung bình trong 7 ngày của Mỹ là 1,1 triệu liều/ngày. Cho đến nay, khoảng 51% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.
Ngày 3/6, Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vaccine trên toàn cầu, trong đó châu Á thuộc nhóm ưu tiên. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước theo gương Mỹ chia sẻ vaccine.
Xếp sau Mỹ về số ca mắc COVID-19 là Ấn Độ. Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 4/6 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 132.364 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc trên cả nước lên 28.574.350 ca. Ngoài ra, với việc có thêm 2.713 ca tử vong, tổng số ca không qua khỏi tại Ấn Độ hiện lên tới 340.702 ca. Cùng ngày, truyền thông dẫn kết quả một nghiên cứu của chính phủ nước này chỉ ra rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ (B.1.617.2), hiện được đặt tên là Delta, đã gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này.
Tại một số quốc gia Đông Nam Á, tình hình dịch COVID-19 đang tiếp tục nóng lên. Cụ thể tại Campuchia, số ca mắc mới tiếp tục xu hướng tăng đáng lo ngại khi Bộ Y tế nước này ngày 4/6 công bố thêm 886 ca trong 24 giờ qua, trong đó có tới 856 ca lây nhiễm cộng đồng. Như vậy tính đến ngày 4/6, Campuchia ghi nhận tổng cộng 33.075 ca mắc COVID-19, trong đó có 242 ca tử vong. Đáng chú ý, Bộ Y tế Campuchia cùng ngày ra thông báo phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là B.1.617 dựa trên kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Campuchia trên 3 trường hợp từ Thái Lan nhập cảnh Campuchia.
Tại Malaysia, cùng ngày, Thủ tướng Muhyiddin Yassin bày tỏ quan ngại về thực trạng gia tăng số ca tử vong và số ca mắc COVID-19 nghiêm trọng liên quan đến trẻ em. Do số ca mắc mới và tử vong mỗi ngày vì COVID-19 liên tục tăng lên các mức cao chừa từng có, quốc gia Đông Nam Á này buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài hai tuần từ ngày 1 - 14/6. Chính phủ Malaysia cũng cảnh báo đợt bùng phát dịch lần này có thể liên quan tới nhiều biến thể nguy hiểm hơn so với trước đây. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn Malaysia là hơn 595.000 ca, trong đó có 3.096 ca tử vong, cao thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á sau Indonesia và Philippines.
Còn tại Lào, lệnh phong tỏa do COVID-19 được gia hạn đến hết ngày 19/6 tới do tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, đặc biệt tại thủ đô Viêng Chăn. Đây là lần thứ 3 Lào gia hạn phong tỏa kể từ khi làn sóng dịch thứ hai bùng phát tại nước này trong tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, so với những lần trước, lệnh phong tỏa lần này không quá nghiêm ngặt, nhiều quy định được nới lỏng trên khắp cả nước trừ những khu vực đang có các ca lây nhiễm trong cộng đồng (Vùng Đỏ).
Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng lắng dịu. Số liệu ngày 4/6 của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy, tính trung bình trong 7 ngày qua tại châu Âu, 5 quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc mới mỗi ngày nhất là Nga (9.166), Pháp (8.350), Đức (4.480), Tây Ban Nha (4.262) và Anh (3.743). Trong khi đó, 5 quốc gia có số ca tử vong trong ngày cao nhất là Nga (0), Đức (151), Ukraine (126), Pháp (95) và Ba Lan (91).
Nhìn chung, số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 tại các quốc gia châu Âu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh dịch trong quý I/2021, thời điểm một số nước ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày (Pháp 43.098 ca, Đức 16.363 ca hôm 21/4).
Ở Bỉ, trong tuần qua, số ca mắc mới tại Bỉ tiếp tục giảm khi nước này duy trì các biện pháp hạn chế tiếp xúc, tránh tụ tập đông người, các nhà hàng, quán cà phê, quán bar chỉ được phép phục vụ khách ngoài trời... Hơn nữa, đây cũng là kết quả của chiến dịch tiêm phòng tại Bỉ khi mà đã có hơn 50% số người trên 18 tuổi tại nước này được tiêm vaccine mũi đầu tiên.