Cụ thể, Nhật Bản ghi nhận 13.244 ca mắc mới trên toàn quốc, trong đó thủ đô Tokyo chiếm 2.198 ca và đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 4 tháng, con số này đã vượt ngưỡng 2.000 ca. Con số này cũng cao hơn gấp đôi so với 962 ca mắc được ghi nhận một ngày trước đó và tăng gấp 5 lần so với tuần trước. Tỉnh Osaka, thành phố lớn thứ 2 Nhật Bản, cùng ngày báo cáo 1.711 ca nhiễm mới, đánh dấu lần đầu tiên con số này ngưỡng 1.000 ca kể từ ngày 15/9/2021.
Chính phủ Nhật Bản đang xem xét rút ngắn khoảng cách giữa mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ hai và mũi tăng cường từ 8 tháng xuống còn 7 tháng cho những người dưới 65 tuổi kể từ ngày 11/1. Khoảng thời gian tiêm giữa 2 mũi này cho nhân viên chăm sóc y tế và người cao tuổi trong viện dưỡng lão đã được rút ngắn xuống còn 6 tháng vào tháng 12 năm ngoái.
Để tránh cho hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải, chính quyền trung ương đã thay đổi chính sách điều trị đối với những người nhiễm biến thể Omicron, theo đó chỉ những người có triệu chứng nghiêm trọng mới cần nhập viện. Bộ Y tế cho biết khoảng 16.000 cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ phối hợp cung cấp dịch vụ thăm khám và theo dõi bệnh nhân hồi phục tại nhà. Nhật Bản cũng đã tăng cường năng lực y tế để các bệnh viện có thể tiếp nhận 37.000 bệnh nhân.
* Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova ngày 12/1 cho biết nước này đã ghi nhận 698 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, hấu hết các trường hợp tập trung ở Moskva.
Phát biểu tại cuộc họp giữa Tổng thống Vladimir Putin với các thành viên nội các, Phó Thủ tướng Golikova cảnh báo rất có thể khu vực thủ đô sẽ hứng chịu làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.
Bà Golikova cho biết Chính phủ Nga đang chuẩn bị các biện pháp bổ sung trong trường hợp tình hình dịch bệnh COVID-19 trở nên phức tạp và các biện pháp này sẽ được công bố vào cuối tuần này. Phó Thủ tướng Nga lưu ý rằng các biện pháp này sẽ chỉ được áp dụng nếu xảy ra “một kịch bản bất lợi” cho tình hình COVID-19 ở Nga.
Cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học và Vi sinh học Gamaleya, ông Alexander Gintsburg, cho rằng số lượng người dân được tiêm chủng mỗi ngày ở Nga phải tăng gấp 10 so với hiện nay mới đủ để đạt mức độ miễn dịch cộng đồng cần thiết. Ông Gintsburg cũng lưu ý rằng những người đã tiêm chủng hơn 6 tháng cần đi tiêm nhắc lại.
Theo số liệu của Cơ quan liên bang điều phối công tác chống COVID-19, Nga đã ghi nhận gần 11 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó trên 9,7 triệu ca đã bình phục và trên 318.000 ca không qua khỏi.
* Indonesia ngày 12/1 thông báo nước này sẽ đưa ra cảnh báo cao độ khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh (BOR) tại các bệnh viện lên tới 20% nhằm ứng phó với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba do biến thể Omicron được dự báo sẽ đạt đỉnh tại quốc gia này vào đầu tháng 2 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư kiêm Điều phối viên triển khai lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) tại đảo Java và Bali, ông Luhut Binsar Pandjaitan, nêu rõ: “Việc chăm sóc tại bệnh viện sẽ là một trong những chỉ số chính. Chúng tôi sẽ cảnh giác cao độ khi BOR lên mức 20-30%”.
Bộ trưởng Luhut cho hay Chính phủ sẽ giám sát chặt BOR của các bệnh viện trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh, song cũng khẳng định rằng Indonesia đang chuẩn bị tốt hơn rất nhiều về cơ sở vật chất, nhân viên y tế và thuốc chữa bệnh so với thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai do biến thể Delta hồi giữa năm 2021.
Theo ông Luhut, làn sóng lây nhiễm thứ ba do biến thể Omicron không phải là không thể xảy ra tại Indonesia, song với những sự chuẩn bị nói trên và các kinh nghiệm học hỏi từ quá khứ, tình hình sẽ không trở nên tồi tệ.
Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cũng cho biết quốc gia Đông Nam Á này đã dành 80.000 giường bệnh để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, tuy nhiên mới chỉ có 3.000 giường đã được sử dụng. Số lượng giường bệnh này có thể được tăng lên 190.000 giường khi cần thiết. Ngoài ra, Indonesia cũng đã chuẩn bị 400.000 liều thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19.