Tình hình nghiêm trọng vẫn tập trung ở vùng tâm dịch là tỉnh Hồ Bắc, miền Trung nước này với 93 ca tử vong mới, bên cạnh đó là Hà Nam (3 ca), Hà Bắc (1 ca) và Hồ Nam (1 ca). Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là số ca nhiễm mới ở ngoài Hồ Bắc đã giảm ngày thứ 14 liên tiếp.
Tính tổng cộng đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 72.436 và 1.8 ca tử vong. Tính trên khắp thế giới, số ca nhiễm là 73.429 ca và 1.873 ca tử vong, trong đó 5 ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục là ở Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Philippines và Pháp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 18/2 cho biết các biện pháp của nước này nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19 (nCoV) đang đạt tiến bộ rõ rệt khi cuộc chiến đang đến thời điểm quan trọng. Nhận định trên được ông Tập Cận Bình đưa ra trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Phát biểu trên Đài truyền hình nhà nước cùng ngày, ông Tập Cận Bình cũng khẳng định Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2020, bất chấp tác động của dịch COVID-19 (nCoV). Theo Chủ tịch Trung Quốc, nền kinh tế nước này vẫn có khả năng chống chịu được, trong khi các nỗ lực kiểm soát dịch đang đến giai đoạn quan trọng.
Chính quyền Trung Quốc cũng đã nỗ lực khôi phục hoạt động giao thông và kinh tế thường ngày song song với đẩy mạnh nỗ lực khống chế sự lây lan của dịch. Các tuyến đường ở các khu vực bên ngoài tỉnh Hồ Bắc đã hoạt động trở lại. Bộ Giao thông nhấn mạnh không được triển khai các biện pháp như đóng cửa các tuyến đường cao tốc hay các tuyến đường giao thông chính.
Liên quan tới việc hỗ trợ tỉnh Hồ Bắc, Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc cho biết đợt chuyển hàng cứu trợ lần thứ 3 đã được triển khai. Theo đó, khoảng 50.000 tấn chăn mền và 10.000 chiếc giường gấp đã được chuyển tới tỉnh Hồ Bắc trong ngày 17/2. Tới nay, Trung Quốc đã phân phát tổng cộng 198.000 hàng cứu trợ, gồm áo khoác, chăn mền và giường gấp hỗ trợ vùng tâm dịch này.
Trong khi diễn biến dịch bên trong Trung Quốc đang có dấu hiệu tiến triển tích cực, tình hình lây lan nCoV trên các du thuyền ngoài khơi vẫn chưa thuyên giảm. Bộ Y tế Nhật Bản ngày 18/2 thông báo xác nhận thêm 88 trường hợp dương tính với nCoV trên du thuyền Diamond Princess, được cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama trong gần 2 tuần qua. Như vậy, tổng cộng các ca dương tính với nCoV trên du thuyền này đã lên tới 542 người.
Trong khi đó, hàng trăm du khách trên du thuyền hạng sang khác là MS Westerdam đang neo đậu tại cảng Sihanoukville ở Campuchia đã được phép lên bờ sau khi có các kết quả kiểm tra y tế đủ điều kiện. Tuy nhiên, việc cho phép các du khách lên bờ được siết chặt sau khi một du khách Mỹ, 83 tuổi, lên bờ và bay tới Malaysia thì được giới chức xác nhận dương tính với nCoV.
Holland America, công ty vận hành du thuyền MS Westerdam, cho biết hiện còn trên 200 khách và 747 thành viên thủy thủ đoàn vẫn đang ở trên tàu và chờ xét nghiệm thêm.
Giới chức Campuchia đã điều máy bay trực thăng tới lấy mẫu xét nghiệm đưa về thủ đô Phnom Penh để đẩy nhanh quá trình trả kết quả. Công ty này cho biết một nhóm 406 hành khách khác có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV cũng đã được lên bờ và đưa tới thủ đô Phnom Penh để chờ các chuyến bay về nước.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 18/2 cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 (nCoV) trở thành đại dịch, lan rộng trên toàn thế giới trong bối cảnh dịch bệnh này đang hoành hành nghiêm trọng tại Trung Quốc và lây lan sang gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tuy nhiên, người đứng đầu chương trình các vấn đề khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Mike Ryan cho biết ở thời điểm hiện tại, WHO chưa nhận thấy nguy cơ trên căn cứ tình trạng lây nhiễm thực tế nCoV bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Một tin vui trong ngày 18/2, giới chức y tế Trung Quốc thông báo phương pháp điều trị truyền dịch huyết tương từ những bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh COVID-19 (nCoV) để điều trị cho các ca nhiễm mới đang trong tình trạng nguy kịch đã ghi nhận các kết quả sơ bộ đáng khích lệ. Tiến sĩ Ryan đánh giá phương pháp điều trị trên là cách thức tiếp cận "rất có cơ sở" để triển khai thử nghiệm, song nhấn mạnh cần có thời gian để tối đa hóa khả năng miễn dịch của bệnh nhân.
Phát biểu tại trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), Tiến sĩ Ryan cho biết huyết tương đã được chứng minh là "có hiệu quả và cứu sống" nhiều bệnh nhân ở các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm bệnh dại và bệnh bạch hầu.
Theo ông Ryan, việc truyền dịch huyết tương từ những bệnh nhân đã được chữa khỏi COVID-19 (nCoV) để điều trị cho các ca nhiễm mới đang trong tình trạng nguy kịch đang được thử nghiệm ở Trung Quốc là cách làm hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh thế giới chưa tìm ra phương thuốc chống siêu vi cụ thể hay vaccine để phòng ngừa sự lây lan của nCoV.
Bên cạnh việc sử dụng liệu pháp truyền dịch huyết tương, các bác sĩ Trung Quốc cũng đang thử nghiệm 2 loại thuốc kháng virus được cấp phép sử dụng trong các bệnh nhiễm trùng khác, để đánh giá tác động của các dược phẩm này đối với COVID-19 (nCoV). Kết quả sơ bộ của các thử nghiệm này dự kiến được công bố trong vài tuần tới.