Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tính đến ngày 26/4 là 23.190 ca, tăng 288 ca so với ngày liền kề trước đó. Tổng số bệnh nhân COVID-19 tại Tây Ban Nha hiện là 207.634 ca, tăng 1.729 ca so với một ngày trước đó.
Trong khi đó, Ban chỉ đạo phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 của Nga cho biết, tính đến trưa 26/4, nước này ghi nhận thêm 6.361 ca nhiễm SARS-CoV-2 tại 83 chủ thể liên bang, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 80.949 ca. Trong vòng 24 giờ qua, đã có 517 người khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 6.767 người và 66 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 747.
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất trong ngày với 2.971 ca, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại thủ đô nước Nga lên 42.480 người. Trong vòng 24 giờ qua tại Moskva đã có 128 người bình phục và có thêm ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 404 ca.
Bộ Y tế Ukraine cho biết tính đến 9h00 sáng 26/4, nước này ghi nhận thêm 492 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 8.617 người. Trong số này có 209 ca tử vong và 840 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Về việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, ngày 26/4, phát biểu với nhật báo La Repubblica, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết chính phủ sẽ cho phép một số lượng lớn các công ty hoạt động trong một số lĩnh vực như chế tạo, xây dựng...hoạt động trở lại từ ngày 4/5 như một phần trong kế hoạch nới lỏng lệnh phong tỏa, trong khi các trường học sẽ mở cửa trở lại vào tháng Chín tới.
Thủ tướng Conte cho biết các công ty này sẽ phải thực thi các biện pháp đảm bảo an toàn tối đa trước khi được phép chính thức hoạt động trở lại. Một số hoạt động kinh doanh được cho là mang tính chiến lược, trong đó có hoạt động phục vụ xuất khẩu, có thể mở cửa lại vào tuần tới, với điều kiện được chính quyền địa phương phê chuẩn.
Italy là nước đầu tiên ở châu Âu chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 và cũng là nước đầu tiên áp đặt lệnh phong tỏa hồi tháng 3 vừa qua. Lộ trình dần mở cửa trở lại nền kinh tế của Italy đang được các nước khác ở châu Âu vốn cũng chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19 theo dõi chặt chẽ để cân nhắc những bước đi tương tự.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab khẳng định chính phủ nước này không cần vội vã dỡ bỏ lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan. Ông nhấn mạnh chính phủ phải hành động cẩn trọng để ngăn chặn đợt bùng phát thứ hai của dịch bệnh cũng như một lệnh phong tỏa thứ hai, tiềm ẩn nguy cơ người dân mất niềm tin vào chính giới.
Phát biểu với hãng tin Sky, Ngoại trưởng Raab nói: "Chúng ta đang ở giai đoạn nhạy cảm và nguy hiểm, chúng ta cần đảm bảo rằng những bước đi tiếp theo là vững chắc", đồng thời nhấn mạnh rằng chính phủ đang tích cực nghiên cứu về những bước đi tiếp theo. Ngoại trưởng Anh kêu gọi người dân tuân thủ hướng dẫn hiện hành, đảm bảo giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.