Báo aljazeera.com mới đây có bài về công gái trẻ người Nepal Sheela đã từ bỏ công việc tại thẩm mỹ viện của mình để đến làm vũ công tại một hộp đêm ở Kenya, sau khi nhận được lời mời làm việc với mức lương cao gấp 7 lần số tiền hiện tại mà cô kiếm được.
Cô gái mới chỉ 23 tuổi chưa một lần nghe đến quốc gia Đông Phi này, trước đó cô cũng không có kinh nghiệm làm vũ công, chưa bao giờ gặp chủ hộp đêm và không nhận được hợp đồng lao động nào.
Cuộc sống đầy khó khăn của gia đình Sheela buộc cô phải đưa ra quyết định rời quê hương đến mảnh đất châu Phi xa xôi đầy nắng gió. Để có chi phí chăm cha mẹ già và lo viện phí cho người anh trai mới bị tai nạn, cô gái trẻ đã chấp nhận mức lương 600 USD/tháng và được chi trả toàn bộ phí ăn ở, đi lại.
“Đó là một khoản tiền lớn nhưng không phải là điều tôi mong đợi”, Sheela chia sẻ. Trên thực tế Sheela đã phải giấu đi tên thật của mình và vừa được giải cứu cùng 11 phụ nữ Nepal khác khỏi một hộp đêm ở thành phố ven biển Mombasa của Kenya vào tháng 4.
“Khi đến Kenya, tôi được thông báo mình được tài xế đưa đón mọi nơi, không được rời khỏi căn hộ ngoại trừ đi làm việc, bị ông chủ tịch thu hộ chiếu và không được sử dụng điện thoại với lý do là vì sự an toàn của mình. Tôi được sống trong một căn nhà ở vùng ngoại ô Shanzu thuộc Mombasa, Kenya”, Sheela nói. Cô cho biết công việc vũ công của cô bắt đầu từ 21 giờ đêm đến tận 4 giờ sáng và luôn phải nhận nhiều lời dụ dỗ từ khách hàng nam.
Cũng giống như Sheela, ngày càng có nhiều phụ nữ và những cô gái mới lớn từ các quốc gia Nam Á như Nepal, Ấn Độ và Pakistan bị lôi kéo đến làm việc trong các hộp đêm, vũ trường theo phong cách Bollywood tại Kenya – nơi được coi là ngành công nghiệp giải trí dành cho người lớn ở đất nước này.
Theo các nhà hoạt động chống buôn người, có rất nhiều địa điểm kiểu này đang hoạt động bất hợp pháp. Hiện tại, vẫn chưa có dữ liệu chính thức về các con số nhưng kết quả của các cuộc truy quét và giải cứu cho thấy có rất nhiều phụ nữ và thiếu nữ đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người có tổ chức từ Nam Á đến Kenya.
Số liệu mới nhất từ Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nepal (NHRC) cho thấy 43 phụ nữ và cô gái tuổi mới lớn đã được hồi hương sau khi được giải cứu khỏi các vũ trường ở Kenya và nước láng giềng Tanzania trong các năm 2016-2017.
Ông chủ của hộp đêm Mombasa, Asif Amirali Alibhai Jetha, đã bị cáo buộc 3 tội danh buôn người, lửa đảo và tịch thu hộ chiếu trái phép. Tuy nhiên, người đàn ông mang quốc tịch Canada và Anh đã phủ nhận những cáo buộc trước tòa, ông không nhận tội và nói rằng những người phụ nữ ở Kenya đã chấp nhận và làm việc hợp pháp với tư cách là vũ công tại một doanh nghiệp. Đặc biệt, ông khăng khăng cho rằng không có bất kỳ hành vi khiêu dâm hoặc khai thác mại dâm nào diễn ra tại đó. Jetha đang được tại ngoại để chờ phiên tòa xét xử tiếp theo.
Những hộp đêm kiểu này được gọi là "Vũ trường Muija", tên gọi của một điệu nhảy rất phổ biến ở Ấn Độ. Tại đây, phụ nữ và những cô gái trẻ nhảy theo nhạc Bollywood để kiếm thu nhập từ khán giả nam giới. Vũ trường này đã mọc lên như nấm ở các thành phố bao gồm Nairobi, Mombasa và Kisumu – nơi định cư của vô số người Kenya gốc Nam Á.
Lực lượng cảnh sát và các tổ chức chống buôn người đã nhiều lần đưa ra cảnh báo và lo ngại rằng một số hộp đêm được sử dụng làm địa điểm để bắt giữ phụ nữ và thiếu nữ. Một số bị bắt làm nô lệ tình dục, những người khác bị ép làm gái bán dâm để lấy tiền trả nợ.
Theo báo aljazeera, Kenya là nơi cư trú của khoảng 328.000 “nô lệ thời hiện đại”. Ở Kenya, nhiều phụ nữ địa phương và thiếu nữ được hứa hẹn sẽ những công việc tốt, thế nhưng họ đã không chỉ bị ép làm nô lệ trong gia đình mà còn bị buộc làm gái mại dâm.
Trong những năm gần đây, cảnh sát đã mở nhiều cuộc truy quét trong những vũ trường mujra và đã phát hiện ra nạn buôn người có tổ chức từ với quy mô lớn từ Nam Á đến Kenya.
“Các cuộc truy quét đã giúp chúng tôi hiểu được cách thức của những kẻ buôn người ở Kenya, có cả những tên cò mồi nước ngoài chuyên tuyển dụng lôi kéo phụ nữ đến làm việc tại các hộp đêm tại đây”, một quan chức thuộc Tổng cục Điều tra Hình sự DCI của Kenya cho biết.
Quan chức này bổ sung: “Những người phụ nữ thường được dụ dỗ làm vũ công và được trả trước tiền lương khoảng 1 tháng. Nhưng khi đến nơi, mọi hoạt động của họ đều bị giám sát, họ bị bắt nhảy khiêu dâm và thường bị ép quan hệ tình dục với khách hàng”.
Theo điều tra viên DCI, những nạn nhân người Nam Á này thường đến Kenya bằng cách xin thị thực đi du lịch 3 tháng hoặc xin giấy phép lao động ngắn hạn cho công việc biểu diễn nghệ thuật.
Sheela và 11 phụ nữ khác được giải cứu khỏi Mombasa cho biết họ phải tách nhau ra để đến Kenya trong 9 tháng trên những chuyến bay khác nhau qua Ấn Độ và Ethiopia do chủ hộp đêm sắp xếp.
Trong các lời khai trước tòa, những người phụ nữ khoảng 16 đến 34 tuổi nói rằng họ được hướng dẫn chỉ mang theo hành lý xách tay và khai với nhân viên nhập cư rằng họ đến thăm bạn bè hoặc gia đình ở Kenya.
Những người phụ nữ này phải làm việc suốt đêm và khi lên sân khấu, họ được gọi bằng những cái tên khác. Trung bình mỗi tháng, những vũ công này kiếm được khoảng 4.000 USD bao gồm cả tiền tip.
“Chúng tôi không nhận được tiền tip nếu khách hàng đưa nó cho ông chủ. Nhưng những cô gái có thành tích cao nhất sẽ được thưởng thêm khoảng 200 USD đến 500 USD”, Meena, 20 tuổi cho biết.
Những cô gái được giải cứu đã hồi hương về Nepal vào tháng Bảy chia sẻ với tòa án rằng hộ chiếu của họ đã bị tịch thu và họ không biết địa điểm chính xác của hộp đêm hay nơi ở của mình.
“Thật tồi tệ. Lẽ ra tôi không nên đến Kenya, đó là một sai lầm của tôi. Tất cả những gì tôi muốn là về nhà. Tôi sẽ không bao giờ quay trở lại nơi này nữa”, Sonia (24 tuổi) chia sẻ trước khi cô trở về.