So sánh sức mạnh quân sự Nga - Mỹ: Ai thực sự mạnh hơn?

Được hỗ trợ bởi một lực lượng quân sự đang trỗi dậy, chính sách đối ngoại mạnh mẽ của Nga đang phơi bày những hạn chế về chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ và có thể làm suy yếu liên minh phương Tây.

Đó là nhận định của ông Rakesh Krishnan Simha, chuyên gia phân tích các vấn đề đối ngoại và hiện là một nhà báo có trụ sở ở New Zealand. Trong một bài phân tích trên trang mạng Russia&India Report mới đây có tựa đề: "How Russian military might is eroding the Western alliance" (Tạm dịch: "Sức mạnh quân sự Nga đang làm xói mòn liên minh phương Tây ra sao?"), ông Simha đã đưa ra một số so sánh sau:

Nga vẫn là nước duy nhất có khả năng “xóa sổ” Mỹ trên bản đồ thế giới. Với 8.500 đầu đạn hạt nhân (và ít nhất 30.000 đầu đạn dự trữ), các lực lượng chiến lược của Nga là đáng sợ nhất thế giới. Trong khi đó, Mỹ sở hữu 7.500 đầu đạn hạt nhân cộng thêm 20.000 đầu đạn dự trữ.

Nga vẫn là nước duy nhất có khả năng “xóa sổ” Mỹ trên bản đồ thế giới.


Sự khác biệt về số lượng có thể không lớn nhưng các lực lượng chiến lược của Nga có một số mặt mạnh hơn so với kho vũ khí của Mỹ. Người Mỹ biết rằng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào giữa hai cường quốc, những tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Nga - vốn an toàn trong hầm chứa siêu cứng, có thể chịu được áp lực đáng kinh ngạc, lên tới 6000 psi (khoảng 400 kg/cm2) so với 300 psi đối với các tên lửa của Mỹ - sẽ là yếu tố quyết định. Lực lượng “ngày tận thế” này được bảo vệ như vậy không chỉ để có thể tồn tại trong một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên, mà còn có khả năng dễ dàng xâm nhập vào hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Mỹ không có bất kỳ sự bảo vệ nào trong việc chống lại “một cú vô lê” từ các ICBM của Nga.
 
Moskva còn có một lực lượng mang tính quyết định khác. Chúng là những tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ các máy bay ném bom chiến lược như T-160 Blackjack, Tu-95 Bear và T-95 Backfire. Những máy bay này có thể cất cánh từ các căn cứ ở phía tây và nam của Nga và có thể thực hiện các cuộc tấn công với tên lửa hành trình hạt nhân nhằm vào Mỹ.

Đồng thời, những máy bay ném bom tầm ngắn hơn tại vùng Viễn Đông của Nga có thể phóng tên lửa hành trình hạt nhân tới bờ Tây nước Mỹ. Những năm 80 của thế kỷ 20, người Nga đã rất chắc chắn về độ chính xác của tên lửa Raduga Kh-22 (tên NATO: AS-4 Kitchen) trang bị đầu đạn hạt nhân mà các máy bay Backfire mang theo chỉ một quả duy nhất. Theo các chuyên gia vũ khí Bill Sweetman và Bill Gunston, những tên lửa này có thể đã được "lập trình để bay vào cửa sổ của Lầu Năm Góc một cách chính xác".

Trong thực tế, chỉ cần lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Nga với 195 chiếc (so với 171 chiếc của Mỹ) có thể xóa sổ Mỹ chỉ trong vài giờ.

Hiện Nga có một loạt các vũ khí mới đang trong quá trình hoàn thiện để bổ sung cho các “chiến binh lạnh” này. Các máy bay ném bom chiến lược đầy uy lực sẽ được hộ tống bởi các siêu cơ động Sukhoi-27 Flanker và thành viên mới nhất của gia đình Flanker, Su-35 Flanker. Với tải trọng lớn, Su-35 có thể mang theo các loại vũ khí uy lực nhất hiện nay đó là một phiên bản của tên lửa không đối không K-77 và tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kh-59. Cả hai loại máy bay trên gần như vô hình với các radar nhờ vào khả năng cơ động cao của chúng.

Chính sách ngoại giao hợp lý của Tổng thống Vladimir Putin đảm bảo rằng Nga không phải đối đầu với toàn bộ khối phương Tây.


Việc xây dựng tàu ngầm hạt nhân cũng đã đạt đến đỉnh cao thời hậu Xô-viết ở Nga. 10 chiếc tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân mới lớp Yasen đã và đang được phát triển sẽ làm lu mờ các tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ. Những tàu ngầm này có thể ẩn nấp và cơ động rất yên tĩnh dưới biển sâu. Năm 2012, một tàu ngầm Akula cũ của Nga đã xâm nhập vào Vịnh Mexico và tuần tra vùng biển hạn chế của Mỹ trong hơn một tháng mà không bị Hải quân Mỹ phát hiện.

Lực lượng tàu ngầm chiến lược đang được tân trang lại với tàu ngầm lớp Borei dài 170m, được trang bị tới 20 tên lửa đạn đạo Bulava mới, đặc biệt là có khả năng phòng thủ tiên tiến được thiết kế để xâm nhập vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Ngoài ra, kể từ cuộc chiến 5 ngày ở Gruzia tháng 8/2008, quân đội Nga đã trở nên nhanh nhẹn hơn, phối hợp tốt hơn và được vũ trang tốt hơn. Với 300.000 quân và 2.500 xe tăng (bao gồm cả “xe tăng bay” hiện đại T-90), và với các hệ thống tên lửa phòng không S-500, S-400, quân đội Nga có hỏa lực mạnh nhất châu Âu.

Nga có khoảng 845.000 quân thường trực và gần 2,5 triệu quân dự bị trong khi Mỹ có 1,4 triệu quân thường trực và 850.000 quân dự bị. Tuy nhiên, trong khi tất cả binh sĩ Nga hiện diện ở trong nước, binh sĩ Mỹ lại nằm rải rác ở 598 căn cứ trên toàn thế giới.

Phản ứng chậm chạp của quân đội Mỹ khi Crimea sáp nhập Nga và cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra đã cho thấy, thách đấu với quân đội Nga không phải là một nhiệm vụ dành cho kẻ nhút nhát. Thêm vào đó, sau nhiều năm không ngừng tham chiến - và tổn thất đáng xấu hổ - ở Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ đang mệt mỏi và mất tinh thần chiến đấu, nếu chưa muốn nói là bị thất bại về mặt tinh thần. Do đó, Mỹ không nhiệt tình cho một sự can dự quân sự khác, đặc biệt là không muốn đầu với một quốc gia từng đánh bại cả Napoleon và Hitler.

Việc xây dựng tàu ngầm hạt nhân cũng đã đạt đến đỉnh cao thời hậu Xô-viết ở Nga.


Ở mức độ nào đó, quân đội Mỹ, mặc dù có ngân sách quốc phòng gấp 7 lần Nga, nhưng sự đầu tư này mang lại ít lợi nhuận. Sự "thành công" của vũ khí Mỹ phần lớn là trên kênh CNN chứ không phải ở chiến trường. Trong bối cảnh này, sự trỗi dậy của quân đội Nga đã “thổi bay” sang một bên, thậm chí là hành động quân sự giả vờ chống lại Moskva. Sự phản ứng một cách yếu ớt này đã buộc Mỹ và đồng minh của mình là Anh tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Các lệnh trừng phạt sẽ dẫn đến sự trả đũa và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn, nhưng điều mà phương Tây không thể thực hiện được đó là sự thay đổi chính sách của Điện Kremlin. Ngược lại, chính sách ngoại giao hợp lý của Tổng thống Vladimir Putin đảm bảo rằng Nga không phải đối đầu với toàn bộ khối phương Tây. Đức và Pháp ít quan tâm đến một cuộc chiến chống lại Nga. Tình cảm ủng hộ Moskva rất mạnh ở Hy Lạp - một thành viên khác của NATO - thậm chí như Italy, Tây Ban Nha và các nước Nam Âu nhỏ hơn nhận thấy rằng không có lý do để can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Mặt khác, Moskva cũng đã có sự ủng hộ rộng rãi từ BRICS.

Cả Tôn Tử và triết gia Ấn Độ Chanakya đều khẳng định rằng chiến thắng lý tưởng là chiến thắng mà không phải đổ máu - có nghĩa là bằng ngoại giao hoặc sự khôn khéo. Việc xây dựng quân đội có sức đề kháng cao của Nga có thể sẽ tạo ra chiến thắng mà không cần bắn sang phương Tây một phát đạn nào.


Công Thuận

Ngoại trưởng Mỹ, Nga rục rịch bàn về Syria, Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ, Nga rục rịch bàn về Syria, Ukraine

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào tuần tới tại thủ đô Paris (Pháp) để bàn về vấn đề Ukraine và Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN