Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, bản sửa đổi hiến pháp này cụ thể hóa cam kết của các nhà cầm quyền về việc triển khai bỏ phiếu theo nguyên tắc “mỗi người, một phiếu” kể từ cuộc bầu cử địa phương sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 30/6.
Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trực tiếp đã không còn được áp dụng sau khi ông Siad Barré lên nắm quyền tổng thống vào năm 1969 tại đất nước vùng Sừng Châu Phi này. Sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Siad Barré vào năm 1991, hệ thống chính trị Somalia được cấu trúc bao gồm các thị tộc và tiểu thị tộc tạo nên xã hội.
Các cuộc bầu cử cho đến nay đã diễn ra theo một quy trình gián tiếp phức tạp, nguồn gốc của tranh giành quyền lực và bất ổn mà theo nhiều nhà quan sát, có lợi cho cuộc nổi dậy của phe Hồi giáo cực đoan Al-Shabaab.
Chủ tịch Hạ viện Somalia Cheik Adan Mohamed Nour cho biết: “Các nhà lập pháp của cả hai viện đã nhất trí thông qua các chương sửa đổi của Hiến pháp”.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mohamed Abdullahi Farmaajo cho rằng hiến pháp này được thực thi theo một quy trình bất hợp pháp và không được xã hội chấp nhận, vì thế sẽ không bao giờ được công nhận là Hiến pháp hợp pháp.
Về phần mình, giám đốc điều hành của Nhóm Chương trình nghị sự công Somalia, Mahad Wasuge, khẳng định rằng những cải cách này phải được xác nhận bằng một cuộc trưng cầu ý dân.