Những con số "cao nhất từ trước tới nay" liên tiếp được thiết lập. Từ 1.000 ca mắc mỗi ngày vào đầu tháng 8, ngưỡng 10.000 ca - một "kỷ lục" kể từ đầu mùa dịch - được ghi nhận chỉ sau một tuần nước Pháp kết thúc kỳ nghỉ Hè và học sinh, sinh viên trở lại trường học.
Cho dù diễn biến dịch bệnh hiện nay không giống như tình hình vào các tháng 3-4 vừa qua, do số bệnh nhân nặng phải nhập viện và đưa vào diện chăm sóc đặc biệt, cũng như số ca tử vong thấp hơn nhiều, song rõ ràng là virus SARS-CoV-2 đang lây lan rất nhanh chóng với hơn 13.400 ca nhiễm vào cuối tuần qua. Tỷ lệ dương tính với virus trên tổng số người làm xét nghiệm hiện lên đến 5,9% so với hơn 3% hồi đầu tháng 8.
Lại một lần nữa nước Pháp bị "chia đôi". Mùa Thu năm 2018, phong trào "Áo Vàng" bùng phát đã khiến cho kết cấu xã hội bị rạn nứt sâu sắc, nhất là giữa tầng lớp dân nghèo sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, với giới tinh hoa lãnh đạo và tầng lớp thượng và trung lưu sống tại các thành phố lớn.
Mùa Thu năm 2020, dịch bệnh chia cắt nước Pháp thành "vùng xanh" nơi virus được khống chế và "vùng đỏ", nơi đang nằm trong tầm nguy hiểm. Điều cần nhấn mạnh là "vùng đỏ" bao gồm hầu hết các đô thị lớn, dẫn đến việc chính quyền địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Thậm chí những người dân sống trong "vùng đỏ" gặp nhiều khó khăn khi muốn đi sang các nước láng giềng như Bỉ, Italy và Đức, bởi họ sẽ phải khai báo y tế, xét nghiệm và chấp nhận cách ly.
Với phương châm "sống chung với virus", Chính phủ Pháp đã công bố nhiều biện pháp mới để kiểm soát dịch bệnh, từng bước ổn định trở lại đời sống kinh tế xã hội vốn bị xáo trộn hoàn toàn sau làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Đeo khẩu trang trở thành điều bắt buộc tại các địa điểm công cộng, khu vực kín cũng như ngoài trời, nhất là ở các địa phương bị xếp loại "vùng đỏ". Từ giữa tháng 5 đến nay, gần 45.000 trường hợp vi phạm đã phải chịu mức phạt lên đến 135 euro (158 USD). Chính quyền nhiều thành phố lớn thậm chí áp lệnh cấm tụ tập trên 10 người trong các công viên và vườn hoa, đóng cửa nhà hàng, quán cà phê từ 23h…
Hệ thống bệnh viện cũng sẵn sàng cho một làn sóng bệnh nhân mới. Theo Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, khoảng 12.000 giường bệnh được chuẩn bị tại các khoa chăm sóc đặc biệt, nơi đã tiếp nhận hơn 7.000 bệnh nhân COVID-19 nặng vào thời điểm đỉnh dịch đầu tháng 4 vừa qua. Bên cạnh khối lượng thuốc dự trữ được bổ sung, dự án kho dự trữ quốc gia một tỷ khẩu trang sẽ hoàn thành vào cuối tháng 9, trong khi hầu hết các bệnh viện đã được cung cấp trang thiết bị đủ để chống lại một cuộc khủng hoảng y tế kéo dài 3 tuần.
Ông Frédéric Valletoux, Chủ tịch Liên đoàn các bệnh viện Pháp, xác nhận “có thể lường trước sự việc và có phản ứng tốt hơn” trong trường hợp làn sóng dịch bệnh thứ hai diễn ra, vì ba lý do. Trước hết về mặt tổ chức, sẽ có sự phối hợp tốt hơn giữa các bệnh viện công và tư nhân. Vào lúc cao điểm của dịch bệnh, khu vực tư nhân đã đảm nhận đến 26% số giường hồi sức ở vùng thủ đô Ile-de-France. Ông Frédéric Valletoux nhấn mạnh nếu đợt dịch thứ hai xảy ra, "không nhất thiết phải đợi đến khi dịch ở giai đoạn nghiêm trọng mới huy động họ".
Liên quan đến hệ thống điều hành, Nhà nước hiện nay trao nhiều quyền hơn cho chính quyền cấp tỉnh. Trong đợt dịch đầu tiên, Nhà nước phụ thuộc rất nhiều vào các cơ quan y tế khu vực trong việc điều phối các hoạt động chăm sóc y tế. Ông Frédéric Valletoux cho biết từ nay, Nhà nước huy động nhiều hơn nữa sự tham gia điều động của các tỉnh trưởng.
Cuối cùng, các bác sĩ đã rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân. Ông Jacques Léglise, Giám đốc bệnh viện Foch ở Suresnes, giải thích : "Dù chưa có thuốc đặc trị bệnh COVID-19, nhưng chúng tôi có một số loại như Tocilizumab, làm chậm quá trình cytokine - tình trạng cơ thể phản ứng quá mức với virus - và do đó tránh được một phần các trường hợp phải đưa vào diện chăm sóc đặc biệt". Cho dù tình trạng ùn tắc tại các bệnh viện chủ yếu là ở khoa hồi sức tích cực, song các kỹ thuật hồi sức đã thay đổi. Ông Jacques Léglise chia sẻ : "Chúng tôi đặt nội khí quản cho bệnh nhân ít hơn, thực hành kỹ thuật điều trị oxy nhiều hơn, với thời gian nằm viện ngắn hơn".
Điểm yếu thực sự của các bệnh viện công nằm ở sự căng thẳng của các nhân viên y tế, những người đang kiệt sức, thậm chí bị chấn thương tâm lý sau làn sóng dịch đầu tiên. Ông Frédéric Valletoux cho biết 25% vị trí việc làm đang bị bỏ trống. Trong kế hoạch nâng cấp hệ thống chăm sóc y tế của chính phủ, một khoản trợ cấp 8,2 tỷ euro (9,6 tỷ USD) được đưa ra để tuyển dụng 15.000 nhân viên mới. Tuy nhiên, theo ông Frédéric Valletoux, điều này “sẽ mất nhiều thời gian”, với trung bình một năm để đào tạo một trợ lý điều dưỡng, 3 năm cho một y tá và hơn 10 năm cho một bác sĩ.
Một biện pháp khác của chính phủ là tăng cường năng lực xét nghiệm để sàng lọc những người nhiễm bệnh, nhờ sự tham gia của các phòng xét nghiệm tư nhân. Mọi người dân Pháp vì bất kể lý do gì đều được quyền xét nghiệm miễn phí mà không cần chỉ định của bác sĩ, tuy đối tượng ưu tiên vẫn là những người có triệu chứng bệnh, người nhà của bệnh nhân và các ca tiếp xúc. Theo Bộ trưởng Y tế Olivier Véran, chiến lược này nhằm mục đích xác định càng nhiều người mang virus càng tốt, đặc biệt là trong số những người không có triệu chứng.
Đến nay, với 1,2 triệu xét nghiệm/tuần, Pháp trở thành một trong những nước châu Âu đi đầu về xét nghiệm sàng lọc COVID-19. Tuy nhiên nhiều vấn đề gây tranh cãi đang xuất hiện khi trên thực tế, các phòng xét nghiệm hiện rơi vào tình trạng quá tải, nhất là tại Paris và các tỉnh vệ tinh thuộc vùng thủ đô Ile-de-France. Những dòng người chờ đợi hàng tiếng trước cửa phòng xét nghiệm để được lấy mẫu. Sau đó họ phải kiên nhẫn chờ đợi từ 5 đến 7 ngày để nhận được kết quả, so với 3 ngày hồi giữa tháng 8.
Tình trạng tắc nghẽn này khiến nhà dịch tễ học Catherine Hill lo lắng. Theo bà, việc xét nghiệm diện rộng hiện nay “chưa nhằm đúng đối tượng», và nhắc lại rằng cứ hai người bị nhiễm virus thì một người không có triệu chứng. Kết quả là, việc truy vết không hiệu quả, do “4 trên 5 trường hợp dương tính không phải là ca tiếp xúc với một người quen biết được xác định dương tính" theo dữ liệu do Cơ quan y tế Pháp công bố.
Việc thời gian lấy mẫu và trả kết quả bị kéo dài càng làm suy yếu hệ thống. Ông Thomas Tarjus, bác sĩ đa khoa ở quận 19 của Paris, cho biết nhiều người đến khám ngay khi có triệu chứng, song không thể được làm xét nghiệm đúng lúc. Theo bà Catherine Hill, nguy cơ lây truyền tối đa là 4 ngày trước và 6 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh. Trong khi đó, trung bình hơn 3 ngày sau khi có triệu chứng thì người bệnh mới đến lượt hẹn xét nghiệm. Bác sĩ Thomas Tarjus lưu ý sự chờ đợi kéo dài khiến bệnh nhân mệt mỏi, "nhiều người đã bỏ cuộc".
Bà Catherine Hill nhận xét cho dù xét nghiệm được thực hiện, kết quả trả quá chậm cũng không còn hữu ích nữa, do dẫn đến việc "cách ly người bệnh khi họ không còn lây nhiễm nữa". Cần nhấn mạnh rằng từ đầu tháng 9, Chính phủ Pháp đã quyết định giảm thời gian cách ly đối với những ca dương tính và các trường hợp tiếp xúc gần, xuống 7 ngày so với 14 ngày trước đây. Trong bối cảnh này, các xét nghiệm chậm trễ là một “sự lãng phí lớn” và không thể giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.
Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết đang cố gắng hết sức để khắc phục tình trạng trên càng sớm càng tốt. Trước tiên sẽ tổ chức lại hệ thống đặt hẹn lịch xét nghiệm, sau đó sẽ mở thêm các trung tâm sàng lọc dành cho các đối tượng ưu tiên ở tất cả các thành phố lớn. Tại vùng thủ đô Île-de-France, 20 trung tâm mới được triển khai từ tuần này, mở cửa từ 8h đến 14h để có thể thực hiện ít nhất 500 xét nghiệm mỗi ngày.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế tăng cường các xét nghiệm nhanh, với 5 triệu bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên qua dịch họng hầu. Mặt khác, cơ quan y tế cũng đã khuyến nghị việc thử nghiệm xét nghiệm qua nước bọt. Do độ nhạy của loại xét nghiệm này không cao, nên nó được dành cho những bệnh nhân có triệu chứng.
Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố Pháp "đang chuẩn bị một chiến lược lớn hơn với các loại xét nghiệm mới kể từ đầu tháng 10”, trong khi nhấn mạnh đến các biện pháp bảo vệ người cao tuổi tốt hơn mà không phải cách ly. Song khó khăn còn ở phía trước. Một mùa Đông đang đến với nhiều bệnh khác ảnh hưởng đến hệ hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm. Các chuyên gia y tế vẫn chưa biết những loại virus của các bệnh mùa Đông sẽ tương tác với SARS-CoV-2 như thế nào, cũng như liệu các biện pháp đối phó với COVID-19 có tác dụng chống lại bệnh cúm hay không. Trong khi chờ đợi, mọi người dân được khuyến khích đi tiêm phòng chống cúm mùa, nhằm giảm nguy cơ bệnh chồng bệnh.