Sống sót 13 năm nhờ máy chạy thận tự chế

3 lần một tuần, Hu Songwen lại ngồi trong phòng vệ sinh chật hẹp trong ngôi nhà ở thị trấn Qutang, miền đông Trung Quốc, vận hành chạy chiếc máy chạy thận thô sơ do anh tự chế.


Chiếc máy chạy thận tự chế giúp Hu Songwen sống sót trong 13 năm qua.


Năm 1993, khi còn là một sinh viên đại học, Hu được chẩn đoán mắc bệnh thận, căn bệnh khiến các chất thải không được lọc khỏi máu. Hu tới bệnh viện điều trị, nhưng sau 6 năm thì anh và gia đình cạn kiệt tiền bạc. Không lo được tiền viện phí, Hu nghĩ đến việc tự chế ra máy lọc để đỡ tốn kém.


Hu Songwen đã chế tạo chiếc máy thẩm tách từ các dụng cụ nhà bếp và thiết bị y tế cũ. Thật kỳ diệu là chiếc máy đã giúp anh sống sót trong 13 năm qua.


Những dụng cụ mà Hu dùng đến khi chạy thận tại gia.



“Chi phí cho mỗi lần chạy thận tại nhà là 60 tệ, chỉ bằng 12% so với chi phí ở bệnh viện”, Hu cho biết và nói thêm, anh không hề nản chí ngay cả khi hai người bạn của anh đã qua đời sau khi tự chế tạo và sử dụng những chiếc máy tương tự.


Chiếc máy của Hu hoạt động giống như một quả thận nhân tạo ở ngoài cơ thể. Nó gồm hai ngăn, liên kết với nhau bởi một màng mỏng, chỉ cho phép những phần tử có kích thước tối đa nhất định đi qua.


Máu được bơm qua một ngăn của chiếc máy, trong khi chất lỏng thẩm tách được bơm qua phần còn lại. Hu tạo ra chất lỏng thẩm tách bằng cách hòa kali clorua, natri clorua (muối ăn) và muối bicarbonate với nước tinh khiết.


Mỗi lần tự điều trị, anh luồn hai ống tube vào động mạch ở cánh tay. Máu được bơm ra từ cánh tay qua một ống tube, được lọc rồi trở lại cơ thể qua chiếc ống còn lại.




Bệnh thận khiến Hu ở trong tình trạng có hàm lượng cao nguy hiểm các chất khoáng kali và natri trong máu. Vì vậy anh phải nghĩ ra giải pháp thẩm tách để giảm lượng kali và natri trong máu xuống mức bình thường.


Khi máu và chất lỏng thẩm tách đi qua máu, lượng chất khoáng thừa sẽ bị đẩy ra khỏi máu, qua màng lọc đi vào chất lỏng thẩm tách. Quá trình này loại bỏ chất thải khỏi máu. Máu sạch sau đó được bơm trở lại cơ thể.


Bệnh thận còn khiến các chất lỏng trong cơ thể Hu chứa hàm lượng axít cao, điều này có thể xử lý bằng cách đưa muối bicarbonate vào cơ thể.


Tuy vậy, các bác sĩ cảnh bá Hu có thể bị nhiễm trùng cũng như các biến chứng trong dài hạn vì không sử dụng nước vô trùng để tạo ra chất lỏng thẩm tách.


Nhưng người đàn ông đang sống với mẹ già 81 tuổi ở thị trấn Qutang, tỉnh Giang Tô cho biết, anh không có nhiều lựa chọn.


Sau khi câu chuyện của anh được nhiều người biết đến qua bài báo trên tờ Tuần báo Phương Nam, Hu được chính quyền trợ cấp y tế. Khoản trợ cấp này giúp giảm chi phí điều trị tại bệnh viện xuống ngang với chi phí điều trị tại nhà. Nhưng Hu cho biết, anh còn do dự chuyển sang bệnh viện, bởi nơi điều trị gần nhất cũng rất xa và chật chội.



Thu Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN