Vào lúc 5h37 sáng theo giờ địa phương, tên lửa Falcon 9 mang theo 10 vệ tinh Iridium Next của công ty viễn thông Iridium Communications đã được phóng từ Khu tổ hợp Phóng tàu không gian 4E (SLC-4E) tại Căn cứ không quân Vandenberg. Khoảng 7 phút sau, tầng thứ nhất của tên lửa đẩy Falcon 9 đã quay trở lại và hạ cánh thành công xuống một tàu đệm không người lái ở Thái Bình Dương. Sau khi khi rời mặt đất được 57 phút, các vệ tinh trên đã được hòa vào mạng vệ tinh viễn thông toàn cầu của Iridium ở độ cao vài trăm dặm so với mặt đất với tổng thời gian cài đặt khoảng 15 phút. Theo Chủ tịch SpaceX Elon Musk, các vệ tinh này sẽ quay quanh Trái Đất trong khoảng 90 phút với tốc độ 27.358 km/h.
Sứ mệnh mới nhất này là lần phóng vệ tinh thứ 14 SpaceX trong năm nay và lần thứ 17 công ty này cho hạ cánh thành công tầng thứ nhất của Falcon 9. Thời gian qua, công ty này đã nhiều lần tái sử dụng tầng thứ nhất của tên lửa Falcon 9 và đang hướng tới việc sử dụng hoàn toàn các tên lửa cũ nhằm giảm chi phí bay vào vũ trụ. Đây cũng là đợt phóng vệ tinh thứ 3 trong số 8 đợt phóng của SpaceX theo hợp đồng thiết lập mạng lưới vệ tinh toàn cầu thế hệ tiếp theo với công ty viễn thông Iridium mang tên Iridium Next, nâng tổng số vệ tinh hiện nằm trong quỹ đạo Trái Đất lên 30. Hai đợt phóng lần trước diễn ra vào tháng 1 và tháng 6 vừa qua.
Iridium là mạng lưới điện thoại và dữ liệu di động duy nhất có mức phủ sóng toàn cầu. Công ty này cho biết đang trong quá trình thay thế hoàn toàn mạng lưới vệ tinh thương mại lớn nhất thế giới ở quỹ đạo tầng thấp của Trái Đất. Đây được xem là một trong những đợt “nâng cấp công nghệ” lớn nhất trong lịch sử.
Mạng lưới vệ tinh Iridium Next là một cấu trúc Quỹ đạo tầng thấp (LEO) liên kết chéo, với mức bao phủ hoàn toàn bề mặt Trái Đất, bao gồm các đại dương, đường bay và vùng cực. Công ty viễn thông Iridium đã hợp tác công ty Thales Alenia Space để sản xuất, lắp đặt và thử nghiệm 81 vệ tinh Iridium NEXT, với 75 vệ tinh trong số này do SpaceX phóng từ nay cho đến giữa năm 2018.