Theo kết quả do Tòa án Bầu cử tối cao Brazil (TSE) công bố, cựu Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, đại diện cho đảng Lao động (PT) cánh tả đã giành được 48,4% số phiếu ủng hộ, trong khi đứng vị trí thứ hai với 43,2% là đương kim Tổng thống Jair Bolsonaro. Các ứng cử viên còn lại chỉ đạt được dưới 5%. Như vậy, cả hai ứng cử viên này sẽ phải "đối đầu" tại vòng hai quyết định được tổ chức vào ngày 30/10 tới.
Khoảng 156 triệu cử tri đã tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được đánh giá là quan trọng nhất tại quốc gia Nam Mỹ này hơn 30 năm qua trong bối cảnh Brazil vừa trải qua 4 năm đầy biến động dưới thời của chính quyền cánh hữu, cũng như những tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội mà đại dịch COVID-19 gây ra. Phát biểu sau khi kết quả được công bố, ứng cử viên cánh tả Lula da Silva nêu rõ hầu như tất cả các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử đều hướng tới khả năng chiến thắng ngay trong vòng 1, nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng đều diễn ra như mong muốn. Mặc dù vậy, đại diện của đảng PT vẫn khẳng định chiến thắng cuối cùng là điều không phải bàn cãi và việc phải tiếp tục cạnh tranh ở vòng 2 chỉ là một sự kéo dài thời gian, đồng thời hy vọng những người ủng hộ sẽ kiên nhẫn chờ đợi tới thời khắc quyết định.
Cựu Tổng thống Lula da Silva cũng tuyên bố sẽ sớm thiết lập kênh đối thoại với các lực lượng chính trị khác để hướng tới cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 30/10 tới, đặc biệt là Phong trào Dân chủ Brazil của ứng cử viên Simone Tebet và đảng Dân chủ Brazil của ứng cử viên Ciro Gomes, với hy vọng nhóm cử tri này sẽ giúp nhà sáng lập PT hoàn thành ước nguyện quay trở lại nắm quyền và đưa Brazil bước vào một giai đoạn phát triển mới. Ông cũng cho rằng cần phải tận dụng tối đa thời gian tiếp xúc với các cử tri tại các bang chiến lược như Rio de Jaineiro hay Sao Paolo trong thời gian tới để thu hút sự ủng hộ bằng những đề xuất khả thi.
Trong khi đó, Tổng thống Bolsonaro thừa nhận kết quả vòng 1 cho thấy “ý chí và khát vọng thay đổi” trong dân chúng, song ông cho rằng vẫn còn cả một chặng đường phía trước để chứng minh cho nhân dân thấy rằng giai đoạn khó khăn nhất của Brazil đã qua đi và phía trước sẽ là con đường phát triển mà tất cả đều mong đợi.
Ông Lula da Silva được đánh giá cao nhờ nhiều dấu ấn đậm nét trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức tổng thống Brazil từ năm 2003 đến 2010. Xuyên suốt quá trình vận động tranh cử, ông Lula da Silva tuyên bố sẽ ưu tiên khôi phục các điều kiện sống của đại đa số người dân Brazil vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ khủng hoảng y tế, tình trạng đói nghèo, thất nghiệp.
Trong khi đó, Tổng thống Bolsonaro đã định hướng đất nước quay trở lại và làm sâu sắc hơn mô hình kinh tế tự do mới vốn xuất hiện lần đầu tiên ở Brazil từ đầu những năm 1990, tập trung cho lĩnh vực tư nhân, cắt giảm triệt để chi tiêu công, bao gồm cả dịch vụ y tế và giáo dục, bất chấp những phản ứng gay gắt trong dư luận xã hội.
Theo bình luận của báo chí Mỹ Latinh, mặc dù bước vào cuộc bầu cử lần này với uy tín bị suy giảm rất nhiều do những chính sách “khác thường” trong suốt thời gian đối phó với đại dịch COVID-19 khi phủ nhận sự nguy hiểm của căn bệnh khiến Brazil trở thành một trong những tâm dịch lớn nhất thế giới, cũng như những chỉ trích liên tục nhằm vào các thể chế nhà nước, song kết quả vòng 1 cho thấy ông Bolsonaro rõ ràng là một chính trị gia lão luyện, có khả năng thu hút được sự ủng hộ rộng rãi không kém gì đối thủ. Trong suốt chiến dịch tranh cử, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ông luôn bị bỏ xa với khoảng cách lên tới hơn 10 điểm phần trăm, song ở thời điểm quyết định thì những khác biệt giữa nhà lãnh đạo cực hữu này với đại diện của đảng PT không quá lớn. Đây cũng chính là hy vọng để ông Bolsonaro bước vào vòng hai sắp tới với tâm thế tự tin hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đương kim tổng thống vẫn chưa thể mở rộng được mạng lưới ủng hộ từ cơ sở khi ông vẫn chỉ tập trung các phát biểu nhắm vào nhóm những người ủng hộ trung thành nhất, đặc biệt là tầng lớp chủ nông nghiệp và chăn nuôi, những người truyền đạo, cảnh sát, quân đội và những người giàu có trong xã hội. Chính vì vậy, điều quan trọng trong thời điểm hiện nay là Tổng thống Bolsonaro và các cộng sự thân cận phải tìm cách nêu bật được những thay đổi tích cực của nền kinh tế Brazil trong những tháng gần đây, đặc biệt là sự bứt phá trong các hoạt động kinh tế, chỉ số thất nghiệp đang gần tiệm cận với mức thấp nhất trong 8 năm qua. Ngoài ra, ông Bolsonaro cũng cần phải thuyết phục được các cử tri đã bỏ phiếu trắng, phiếu không hợp lệ, hoặc những người không tham gia bỏ phiếu lần này quay ra ủng hộ những cam kết mà ông đã đưa ra trong suốt quá trình tranh cử.
Kết quả vòng 1 cuộc bầu cử vừa qua cho thấy Brazil đang bị chia rẽ cả về chính trị và xã hội một cách sâu sắc. Lực lượng cánh tả có thể hy vọng vào những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua để chờ đợi một chiến thắng quyết định ở vòng 2, nhưng khoảng cách chưa tới 5 điểm phần trăm khiến cho mọi chuyện trở nên khó lường. Trên thực tế, trong 5 cuộc bầu cử gần đây tại Brazil, kể cả 2 lần ông Lula da Silva chiến thắng, kết quả đều phải quyết định ở vòng hai và ứng cử viên thu hút được nhiều phiếu ủng hộ tại vòng 1 hơn luôn là người giành chiến thắng cuối cùng.