“Sức khỏe” tiêu dùng là một trong những lý do chính khiến nhiều người cho rằng gói kích thích tài chính thứ hai không thực sự khẩn thiết như gói thứ nhất. Và nếu muốn cũng chưa thể có sớm, bởi gần như không còn cơ hội để thông qua một gói kích thích quy mô trước thời điểm nước Mỹ có tổng thống mới.
Trong bối cảnh đàm phán gói cứu trợ bế tắc, sức chịu đựng về kinh tế của người tiêu dùng Mỹ nổi lên là điểm sáng bất ngờ. Thu nhập khả dụng của toàn dân Mỹ đạt tới 15,7 nghìn tỉ USD vào tháng 9/2020, tăng khá mạnh so với mức tiền khủng hoảng COVID-19. Thu nhập bình quân của lao động tại Mỹ là 29,50 USD/giờ trong tháng 9, cao hơn mức 28,69 USD/giờ hồi tháng 3.
Tổng số tiền vay nợ của người tiêu dùng Mỹ cũng giảm xuống, bởi người Mỹ đã tiết kiệm được khoảng 14,3% thu nhập trong tháng 9. Tỉ lệ này cũng cao gấp đôi so với thời kỳ tiền khủng hoảng đại dịch.
Giới phân tích lạc quan với triển vọng người tiêu dùng Mỹ. Theo Steve Sadove, Cố vấn cấp cao của tập đoàn Mastercard, ở giai đoạn đầu, gói kích thích kinh tế thứ nhất đã có tác động mạnh đến người tiêu dùng, đặc biệt là số đối tượng có thu nhập thấp, thông qua các khoản cứu trợ trực tiếp từ chính quyền. Còn ở thời điểm phục hồi kinh tế hiện nay, nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao hơn cũng lại bắt đầu tăng cường chi tiêu.