Chính phủ Syria (Xyri) ngày 4/7 hoan nghênh tuyên bố cuối cùng được hội nghị của Nhóm Hành động về Syria đưa ra hôm 30/6, đồng thời cho rằng văn bản này đã mở đường cho một tiến trình chính trị tại Syria.
Trước đó, tại hội nghị quốc tế về Syria ở Geneva (Giơnevơ, Thụy Sĩ), các bên đã nhất trí rằng cần thành lập chính phủ chuyển tiếp tại Syriađể chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 16 tháng, song không yêu cầu phế truất tổng thống Bashar al-Assad.
Hội nghị Geneva đã nhất trí cần thành lập chính phủ chuyển tiếp tại Syria. Ảnh AFP/TTXVN |
Các bên bao gồm Nhóm Hành động về Syria gồm Tổng Thư ký LHQ, Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL), Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, Ngoại trưởng của 5 nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, cùng Ngoại trưởng các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq (Irắc), Kuwait (Côoét) và Qata (Cata).
Chính phủ mới sẽ bao gồm các thành viên của cả chính phủ hiện thời và phe đối lập, có nhiệm vụ chỉ đạo việc soạn thảo một hiến pháp mới cho đất nước và tổ chức các cuộc bầu cử.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Syria nêu rõ: "Damascus (Đamát) hoanh nghênh những điểm nói đến cam kết về chủ quyền và độc lập của Syria... thêm vào đó là kêu gọi ngừng bạo lực... và không quân sự hóa cuộc khủng hoảng".
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Syria cũng cho biết có một vài điểm mơ hồ trong tuyên bố cần được làm rõ, dù không nêu cụ thể đó là những điểm gì.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdessi cũng nhắc lại cam kết của Syria đối với kế hoạch hòa bình sáu điểm của đặc phái viên LHQ và AL Kofi Annan.
Ông cho biết Syria sẵn sàng tiến hành đối thoại trong nước với tất cả các bên nhằm đạt được sự đồng thuận về kế hoạch chấm dứt khủng hoảng, xuất phát từ quan điểm rằng chỉ người Syria mới có thể đưa ra các quyết định về xây dựng tương lai của đất nước.
Syria hy vọng tất cả các nước tham dự Hội nghị Geneva sẽ cam kết theo đuổi tiến trình này và phối hợp tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria dựa trên nguyên tắc chấm dứt bạo lực, ngừng cung cấp tài chính, vũ khí và nơi trú ẩn cho các nhóm vũ trang.
Tuy nhiên, các nhóm đối lập Syria trước đó đã bác bỏ kế hoạch hòa bình do LHQ bảo trợ, coi kế hoạch này là "mơ hồ và lãng phí thời gian", đồng thời tuyên bố sẽ không thỏa hiệp với Tổng thống al-Assad hay các thành viên của chế độ hiện nay.
Một cựu lãnh đạo Hội đồng Dân tộc Syria (SNC, của phe đối lập) có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng SNC bác bỏ mọi hình thức đối thoại với chính quyền ngay từ khi mở đầu phong trào chống chính phủ.
Người đứng đầu Phái bộ giám sát viên của LHQ tại Syria (UNSMIS), ông Robert Mood thừa nhận tình hình rất khó khăn, đồng thời cho rằng chấm dứt bạo lực ngay lập tức là vấn đề quan trọng nhất đối với tất cả các bên liên quan.
Pháp và Anh cảnh báo can thiệp quân sự
Trong một phản ứng cùng ngày, Anh và Pháp tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp cứng rắn đối với Syria nếu kế hoạch chuyển giao không nhanh chóng chấm dứt được tình trạng bạo lực. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nói rằng nếu lộ trình chuyển giao không được triển khai nhanh thì "chúng tôi sẽ nhờ cậy đến LHQ" để có các biện pháp cứng rắn hơn, trong đó có khả năng can thiệp bằng quân sự.
Về phần mình, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết hai nước Anh và Pháp sẽ tìm kiếm tại HĐBA LHQ các biện pháp bổ sung nếu kế hoạch trên không nhanh chóng mang lại kết quả. Pháp sẽ tổ chức hội nghị quốc tế về tương lai Syria vào ngày 6/7 tới.
Trong khi đó, tại Syria, bạo lực tiếp tục cướp đi sinh mạng của 14 người, trong đó có một em nhỏ 6 tuổi, tại các thị trấn Misraba và Rihan Rihan, cách thủ đô Damascus 15km về phía bắc. Tính đến nay, làn sóng biểu tình chống chính quyền đã khiến hơn 15.000 người Syria thiệt mạng.
TTXVN/Tin Tức