Thế nhưng, trong năm 2015, Syria lại đóng một vai trò quá lớn trong các vấn đề quốc tế theo kiểu “hiệu ứng bươm bướm” – tức là một con bướm vỗ cánh ở Syria cũng có thể gây bão ở New York. Ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Syria đã lan rộng trên toàn cầu.
Làn sóng di cư
Xung đột giữa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với các lực lượng đối lập đã gây ra một cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài, chưa có hồi kết và gây ra nhiều hậu quả. Khoảng 6,5 triệu người đã mất nhà cửa. 4,4 triệu người buộc phải chạy trốn tới các nước khác, trong đó 633.000 người lánh nạn ở Liban (chiếm tới 1/4 dân số Liban), 1,07 triệu người tha hương tại Jordan (chiếm 10% dân số Jordan). Người tị nạn Syria chen chúc trong các cơ sở, lều trại tạm bợ, đe dọa sự ổn định của các nước láng giềng. Với số người cần giúp đỡ lớn như vậy, các tổ chức cứu trợ quốc tế quá tải với lượng công việc khổng lồ.
Cuộc nội chiến Syria đã để lại những hậu quả thảm khốc. |
Không chỉ tràn sang các nước láng giềng, người tị nạn Syria còn mạo hiểm tính mạng, lênh đênh trên những con thuyền thô sơ, vượt biển tới nơi mà họ coi là miền đất hứa châu Âu. Làn sóng người Syria ùn ùn đổ vào châu Âu khiến châu lục này gặp phải cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đã mâu thuẫn sâu sắc, tranh cãi kịch liệt, rạn nứt tưởng như không hàn gắn cũng vì vấn đề làm gì với người di cư chủ yếu từ Syria: Đón nhận hay đóng cửa biên giới? Đón nhận bao nhiêu? Sàng lọc thế nào?
Mối đe dọa từ dòng người di cư còn nằm ở chỗ khủng bố Hồi giáo có thể dùng vỏ bọc người di cư để tràn vào các nước mục tiêu ở phương Tây. Trên thực tế, đây không còn là mối đe dọa nữa mà đã trở thành nỗi sợ thật sự trong vụ tấn công khủng bố ở Paris ngày 13/11. Khi một cuốn hộ chiếu Syria xuất hiện gần xác một kẻ tấn công, người ta cho ngay rằng đó là của một kẻ trà trộn vào dòng người tị nạn Syria. Mặc dù vậy, đến nay kết quả điều tra đều cho thấy các thủ phạm đều là công dân châu Âu, không phải người tị nạn. Tuy nhiên, chỉ bấy nhiêu cũng đã đủ để các nước châu Âu lo sợ mà đóng cửa biên giới đề phòng các vụ tấn công tương tự trong tương lai. Khu vực miễn thị thực Schengen vốn là niềm tự hào của EU nay đã bị đe dọa và tổn hại trước làn sóng di cư từ Syria. Nguy cơ khu vực Schengen bị tạm ngừng đang được thảo luận và trở thành một lựa chọn có thể là không thể tránh khỏi trong tình hình châu Âu quá tải với người di cư.
Mối lo khủng bố
Mối đe dọa khủng bố đã thổi bùng ngọn lửa cực hữu vốn đã âm ỉ cháy ở châu Âu và Mỹ. Khủng bố đã trở thành một trong những chủ đề nổi cộm trong các cuộc tranh luận chính trị. Ở châu Âu, mối lo khủng bố đã “tiếp sức” cho sự trỗi dậy của các đảng cánh hữu như Mặt trận Dân tộc ở Pháp hay như chiến dịch tranh cử tổng thống của tỷ phú Donald Trump ở Mỹ. Dường như lần đầu tiên mối lo ngại an ninh quốc gia đã che khuất mối lo về kinh tế. Những người theo đường lối dân túy đã tận dụng sự hoang mang, sợ hãi của người phương Tây, kêu gọi những chính sách kiểu như không tiếp nhận người di cư, cấm cửa người Hồi giáo mà phần lớn trong số đó đến từ Syria. Tình hình chính trị xoay quanh vấn đề di cư, khủng bố cho thấy các đảng phái lâu đời ở phương Tây dường như ngày càng bất lực với chính sách dân túy. Đặc biệt là khi những chính trị gia ủng hộ chính sách này có tỷ lệ ủng hộ trong cử tri ngày càng tăng, ví như trường hợp của ông Donald Trump.
Như vậy, có thể thấy chỉ riêng cuộc nội chiến ở Syria đã gây ra vô số hệ lụy khiến cả thế giới, đặc biệt là châu Âu và Mỹ rúng động. Còn về chính sách đối ngoại, trong năm 2015, Syria đã có quyết định góp phần thay đổi cục diện quan hệ các nước khi cho phép Nga không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng trên lãnh thổ Syria. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến thế giới phải có cái nhìn khác về sức mạnh Nga trên bầu trời Syria khi khiến cho khủng bố IS ở Syria khốn đốn.
Cũng chính chiến dịch không kích IS ở Syria đã tạo ra một nút thắt mới bất ngờ cho quan hệ của Nga với nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ: một chiếc Su-24 của Nga đã bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ trên bầu trời Syria. Sự kiện đã khiến Nga nổi giận thực sự, đẩy quan hệ Nga-Thổ lao dốc không phanh, kèm theo là những biện pháp trừng phạt trên mọi mặt.
Nếu trong cuộc xung đột ở Syria, Tổng thống Nga đã thể hiện được uy lực và tầm ảnh hưởng thế giới của mình thì Tổng thống Mỹ Barack Obama xem ra lại yếu thế. Liên minh chống IS ở Syria và Iraq do Mỹ dẫn đầu có tới 62 thành viên nhưng hiệu quả chống IS lại không bằng một phần của Nga. Việc chính quyền Mỹ lúng túng với chiến lược chống IS, điển hình là thất bại trong chương trình huấn luyện cho lực lượng đối lập Syria mà Mỹ coi là “ôn hòa” để những người nhóm chống IS, cho thấy ông Obama vẫn chưa thực sự có được những chính sách đúng đắn trong cuộc chiến chống khủng bố.
Cuối cùng, nội chiến Syria đã không chỉ là một cuộc chiến giữa bên ủng hộ và bên chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà đã dần trở thành cuộc chiến giáo phái giữa các nước mà người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số và các nước có nhiều người Hồi giáo dòng Shiite. Đó chính là một cuộc chiến ủy nhiệm đối với các chính phủ khu vực. Điển hình là Saudi Arabia và Iran - hai nước đang tìm cách sử dụng cuộc chiến Syria để giành giật ảnh hưởng tôn giáo và chính trị, lôi kéo sự tham gia của nhiều nước trong và ngoài khu vực.
Như vậy, với diễn biến xung quanh cuộc chiến ở Syria trong năm 2015, có thể thấy biến động ở Syria đã lan tỏa ra toàn cầu và trong năm 2016, chắc chắn cánh bướm ở Syria vẫn sẽ tiếp tục đập.