“Bất chấp nhiều tháng thuyết phục, bất chấp chiến dịch truyền thông dày đặc, bất chấp các cuộc thảo luận trên nhiều báo chí, chúng ta vẫn không thể thuyết phục đủ người đi tiêm vaccine”. Đây là những lời mà cựu Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg nói tháng trước khi ông thông báo yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc trên toàn quốc đầu tiên ở châu Âu.
Giờ đây, Đức dường như sẽ nối gót Áo. Các quốc gia khác đã bắt buộc một nhóm dân số tiêm vaccine COVID-19 và áp đặt biện pháp với những đối tượng chưa tiêm vaccine. Biện pháp của các chính phủ được đưa ra trong bối cảnh châu Âu chật vật với thách thức kép: ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh và tỷ lệ tiêm chủng tụt dốc.
Sau khi Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cách đây gần một năm, cứ ba người châu Âu thì vẫn còn khoảng một người chưa tiêm vaccine COVID-19. Rủi ro là khi các chính phủ áp đặt càng nhiều biện pháp nghiêm ngặt với nhóm người này thì tâm lý giận dữ sẽ của họ với chính phủ sẽ càng tăng.
Theo một khảo sát do European Barometer thực hiện tháng 5/2021, chỉ có 19% người châu Âu coi nguồn tin của chính phủ về vaccine COVID-19 là đáng tin cậy nhất. Ngay cả trước đại dịch, tâm lý bài vaccine ở châu Âu cũng đã mạnh, cho thấy người dân không tin tưởng vào chính phủ và các đảng phái chính thống.
Phần lớn quốc gia châu Âu đã không còn công cụ để thuyết phục người dân tiêm vaccine. Bản đồ khu vực những người chưa tiêm vaccine cho thấy nơi đó, người dân không tín nhiệm chính quyền và đảng chính trị truyền thống.
Trong thực tế, những ai tin các cơ quan chính phủ không cần thuyết phục mới tiêm vaccine, còn những người không tin thì không hề bị thuyết phục.
Đông Âu là khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất. Bulgaria là quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp châu Âu khi chưa đầy 27% dân số đã tiêm chủng. Quốc gia này cũng trải qua khủng hoảng chính trị lớn khi đã tổ chức ba cuộc bầu cử quốc hội năm nay.
Khó khăn trong triển khai tiêm vaccine và phân phối vaccine tới nhóm người cao tuổi ở vùng nông thôn hẻo lánh cũng khiến tỷ lệ tiêm vaccine ở Đông Âu thấp. Tuy nhiên, ở một số quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất, các đảng dân túy đang nắm quyền hoặc có thế lực mạnh.
Về phía tây, tỷ lệ tiêm vaccine thấp cũng là tình trạng ở các quốc gia và khu vực có phong trào cực đoan, phong trào dân túy, như ở Đức, Áo và miền bắc Italy.
Một nghiên cứu đăng hồi tháng 10 của tác giả Michele Roccato và Silvia Russo tại Đại học Turin cho rằng người có xu hướng dân túy thường từ chối tiêm vaccine COVID-19, phù hợp với nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng tâm lý phản đối vaccine thường bị chính trị hóa.
Sophie Tissier, người tổ chức biểu tình phản đối biện pháp phòng chống COVID-19 và vaccine ở Pháp, nói rằng các cuộc biểu tình đã tạo ra một lực lượng chính trị mới cực đoan nhưng vượt qua mọi ranh giới đảng phái. Người này cho biết muốn tạo một nhóm đối lập gồm những công dân bình thường, không quan tâm tới bầu cử, chỉ hoạt động như người theo dõi đứng ngoài thế giới chính trị.
Hồi tháng 8, trên 230.000 người đã xuống đường khắp nước Pháp sau khi Pháp trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng hộ chiếu vaccine COVID-19 nghiêm ngặt. Từ đó, biểu tình đã giảm dần ở Pháp, một phần là vì không có đảng chính thống nào công khai khuyến khích người ủng hộ tham gia biểu tình. Tỷ lệ tiêm vaccine ở Pháp thuộc hàng cao nhất châu Âu, cho thấy ngay cả ở những nước có tâm lý bài vaccine mạnh như Pháp, quan điểm của các đảng dân túy và cực hữu về vaccine có thể gây ảnh hưởng, kích thích người dân biểu tình.
Tại các nước khác ở châu Âu, các nhóm dân túy và cực hữu cũng đang thổi bùng tâm lý bài vaccine COVID-19. Ở Áo, đảng cực hữu Tự do đã lên kế hoạch biểu tình từ khi chính phủ công bố yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine toàn quốc hồi tháng 11. Yêu cầu bắt buộc tiêm chủng có hiệu lực từ tháng 2/2022.
Ngay cả khi thông báo yêu cầu tiêm chủng bắt buộc, ông Schallenberg cũng cáo buộc đảng Tự do phải chịu trách nhiệm về tỷ lệ tiêm chủng thấp và tâm lý bài vaccine ở Áo.
Ông Schallenberg nói: “Chúng ta có quá nhiều lực lượng chính trị ở nước này phản đối mạnh mẽ, quyết liệt, công khai tiêm vaccine. Điều đó là vô trách nhiệm. Bị kích động bởi các nhóm phản đối vaccine cực đoan và nghe tin giả có vẻ hợp lý, không may là đã có qua nhiều người không tiêm vaccine. Hậu quả là giường bệnh chăm sóc đặc biệt chật kín”.
Cuộc tranh cãi về đại dịch ngày càng trở nên cực đoan. Nhà khoa học chính trị Pháp Jean-Yves Camus, nhận định các nhóm cực đoan nhất lợi dụng đại dịch để tuyên truyền virus là giả mạo, không có đại dịch nào cả và chính phủ đang lừa người dân, rằng chính phủ ép dùng hộ chiếu vaccine để lấy dữ liệu cá nhân…
Ở nhiều khu vực, các đảng từng tập trung vào vấn đề nhập cư hoặc châu Âu giờ đang lợi dụng tâm lý giận dữ của người phản đối vaccine để đạt mục đích chính trị bằng vấn đề có vẻ như không liên quan chính trị. Mục tiêu tấn công của họ là biện pháp phòng chống COVID-19 và chiến dịch tiêm chủng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thận trọng khi nói về yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine vì ảnh hưởng tiềm tàng tới niềm tin của người dân. Tiến sĩ Hans Kuge, Giám đốc WHO tại châu Âu nói chỉ bắt buộc tiêm khi đó là biện pháp cuối cùng và chỉ áp dụng khi không còn lựa chọn khả thi nào để tăng tỷ lệ tiêm vaccine. Ở những nơi mà cuộc chiến chống đại dịch bị tâm lý bài vaccine cản trở, thì lệnh bắt buộc tiêm vaccine này có thểm khiến người dân phản kháng hơn nữa.
Về phần mình, ông Russo nói: “Điều lo lắng là người bài vaccine có thể phản đối thậm chí còn cực đoan hơn. Đó là một rủi ro”.
Nói cách khác, tiêm vaccine ép buộc có thể đẩy người ta tới trung tâm tiêm chủng nhưng cũng sẽ đẩy một số người xuống đường biểu tình.
Cuộc chiến chống đại dịch một ngày nào đó sẽ kết thúc nhưng cuộc chiến chống chủ nghĩa dân túy ở châu Âu mới chỉ bắt đầu.