Tại sao đại dịch COVID-19 luôn đi trước giới chức Mỹ một bước?

Có ba yếu tố khiến Mỹ khó có thể phản ứng nhanh trước các mối đe dọa mới của đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Vox, phản ứng của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với biến thể Omicron là muộn màng. Ngày 19/1, Nhà Trắng thông báo sẽ sớm vận chuyển 400 triệu khẩu trang N95 đến các hiệu thuốc và trung tâm y tế cộng đồng để phát cho người dân. Người Mỹ có thể gửi hóa đơn xét nghiệm tại nhà cho công ty bảo hiểm sức khỏe để được chi trả. Trước đó, ngày 18/1, một trang web liên bang mới đã ra mắt cho phép mọi người đặt hàng một số bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà miễn phí.

Cuối cùng Mỹ cũng đồng ý phân phát các bộ xét nghiệm và khẩu trang miễn phí sau khi một số chuyên gia y tế cộng đồng đã kêu gọi từ khi biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện. Tuy nhiên, phải tới cuối tháng này, bộ xét nghiệm và khẩu trang miễn phí mới có thể tới tay người dân Mỹ.

Bà Monica Gandhi, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California San Francisco, nói: “Vào thời điểm người dân nhận khẩu trang và bộ xét nghiệm, đợt bùng phát Omicron có thể sẽ kết thúc. Có thể làn sóng Omicron đã đạt đến đỉnh điểm”.

Ngay từ đầu đại dịch, phản ứng của Mỹ đã bị coi là chậm chạp trong vấn đề xét nghiệm và khẩu trang. Hai năm sau khi có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên đất Mỹ, chiến lược chống dịch bệnh tầm quốc gia vẫn còn quá ít và quá muộn. Theo các chuyên gia, phản ứng của chính quyền Mỹ đối với Omicron có thể sẽ không kịp thời để thay đổi đáng kể diễn biến làn sóng dịch mới nhất.

Tại sao phản ứng của Mỹ đối với Omicron quá chậm?

Các quốc gia khác cũng mất cảnh giác với Omicron, nhưng có thể hành động nhanh chóng khi biến thể xuất hiện đến. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Còn ở Mỹ, các chuyên gia chỉ ra ba yếu tố chính dẫn đến phản ứng chậm chạp của chính phủ đối với Omicron: phụ thuộc quá mức vào vaccine, không có kế hoạch dự phòng và không có sự đồng thuận của các chuyên gia.

Một số chuyên gia cho rằng chính quyền Tổng thống Biden và các quan chức liên bang đặt quá nhiều niềm tin vào sức mạnh của vaccine COVID-19 để chấm dứt đại dịch. Các cố vấn của Nhà Trắng nói với tờ Washington Post vào tháng trước rằng dữ liệu trong các thử nghiệm lâm sàng Pfizer và Moderna ban đầu cho thấy những loại vaccine đó có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa tất cả các ca nhiễm, góp phần tạo ra niềm tin trong chính quyền Mỹ rằng tiêm chủng đầy đủ là đủ để khiến đại dịch kết thúc.

Ông Justin Feldman, nhà dịch tễ học xã hội tại Harvard, nhận định: “Tôi nghĩ rằng nhóm của ông Biden đã nhìn thấy kết quả đầu tiên, rất hứa hẹn về hiệu quả của vaccine từ Pfizer vào mùa thu năm 2020 và quyết định không đầu tư nghiêm túc các biện pháp can thiệp khác. Chiến lược chỉ dùng vaccine này không bao giờ là một ý tưởng hay, nhưng họ đã bỏ lỡ nhiều lời cảnh tỉnh”.

Ví dụ, vào cuối tháng 7/2021, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã biết rằng hiệu quả của vaccine đang suy yếu và biến thể Delta dễ lây lan hơn các biến thể trước, đe dọa gây ra làn sóng ca mắc mới. Cùng lúc đó, Israel bắt đầu cung tiêm mũi tăng cường cho những người dân dễ bị tổn thương nhất, một bước đi mà Mỹ phải hai tháng sau mới thực hiện.

Các loại vaccine đã làm thay đổi căn bản đại dịch, nhưng vaccine không bao giờ là một loại thuốc chữa bách bệnh. 

Điều đó khiến chiến lược chỉ dùng vaccine là không đủ. Virus vẫn đang lây lan rộng rãi. Vẫn còn hàng triệu người từ chối tiêm chủng hoặc vaccine không mang lại hiệu quả bảo vệ mạnh mẽ như đối với những người trẻ hơn và khỏe mạnh hơn. Lúc nào cũng có nguy cơ xuất hiện một biến thể mới có khả năng kháng vaccine cao hơn.

Vào tháng 10/2021, khi làn sóng Delta đang diễn ra, Nhà Trắng đã từ chối kế hoạch sản xuất và phân phối các bộ xét nghiệm nhanh tại nhà cho đợt kỳ nghỉ đông. Trong suốt mùa hè, Abbott Laboratories - nhà sản xuất các bộ xét nghiệm nhanh tại nhà lớn nhất ở Mỹ - đã bắt đầu tiêu hủy một số bộ xét nghiệm vì chính phủ đã không mua được nguồn cung dư thừa. Điều này có nghĩa là khi Omicron bắt đầu lan rộng, không có khẩu trang hoặc bộ xét nghiệm dự trữ để phân phối nhanh chóng cho mọi người.

Một khi biến thể Omicron lây lan thì cũng là quá muộn. Một số chuyên gia cho rằng Chính phủ Mỹ không hành động nhanh chóng, ngay cả khi đối mặt với tình huống khẩn cấp. Có thể mất nhiều ngày họ mới điều chỉnh xong hướng dẫn sức khỏe cộng đồng. Mất vài tuần mới thiết lập xong một trang web để mọi người có thể đặt bộ xét nghiệm miễn phí. 

Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh luôn thay đổi. Ví dụ, với Omicron, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy lấy mẫu dịch họng có thể tốt hơn là lấy mẫu dịch mũi như trong hầu hết bộ xét nghiệm hiện nay.

Các cơ quan y tế của Mỹ không quen với việc nhanh chóng sửa đổi chính sách ví như chậm trễ trong việc sửa đổi các quy tắc cách ly hoặc cập nhật quá chậm khuyến nghị loại khẩu trang nên dùng.

Mâu thuẫn của các chuyên gia về phản ứng với COVID-19

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Một yếu tố nữa khiến Mỹ phản ứng chậm với đại dịch: Các chuyên gia y tế công cộng ngày càng chia rẽ về những gì Mỹ cần làm trong ứng phó với đại dịch.

Các chuyên gia y tế công cộng ở Mỹ chưa bao giờ đồng thuận, nhưng thời kỳ đầu của đại dịch, họ đã đồng thuận khá rõ ràng về những việc cần làm đối với COVID-19: đóng cửa một số cơ sở kinh doanh, cấm hầu hết các cuộc tụ tập đông người, bắt buộc đeo khẩu trang và phát triển vaccine.

Nhưng khi đại dịch kéo dài, các ý kiến chuyên gia ngày càng khác nhau. Khi chính quyền Mỹ tranh luận về việc tiêm mũi vaccine tăng cường vào mùa hè và mùa thu này, một số chuyên gia đã hết sức ủng hộ, trong khi các chuyên gia nổi tiếng khác cho rằng vaccine tăng cường chỉ có ý nghĩa đối với một số người nhất định.

Ngay cả về việc phân phát các bộ xét nghiệm và khẩu trang, vẫn có sự bất đồng về việc liệu những kế hoạch này có cần thiết hay không.

Nhiều chuyên gia tiếp tục nói rằng vaccine vẫn là cách tốt nhất để kiểm soát COVID-19. Chính quyền Mỹ bỏ qua các biện pháp chống dịch khác cũng một phần là do các chuyên gia y tế công cộng tin rằng chỉ cần tiêm chủng là đủ.

Khi một số chuyên gia cảnh báo về các đợt sóng dịch trong tương lai, thay vì thực hiện các bước chủ động để chuẩn bị cho tình huống đó, chính quyền Mỹ đã bỏ qua cảnh báo và quốc gia này đang phải vật lộn để đối phó với Omicron.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Hàn Quốc chuyển sang phương thức ứng phó với biến thể Omicron
Hàn Quốc chuyển sang phương thức ứng phó với biến thể Omicron

Ngày 24/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ thị chính phủ nước này nhanh chóng chuyển sang các biện pháp ứng phó mới nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron, đồng thời cảnh báo nước này có thể chứng kiến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian ngắn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN