Bài viết đặt ra câu hỏi về việc có vẻ như bất kỳ tội ác nào trước đây đều có thể bị lãng quên miễn là có thể đạt được sự thay đổi chế độ? Có phải lần này dựa vào đội quân thánh chiến sẽ có hiệu quả? Nếu không có hiệu quả, phương Tây luôn có thể ném bom các tổ chức này cho đến khi biến mất như đã từng làm một cách thường lệ.
Một bài viết khác của nhà báo Robert Fisk đã đăng trên tờ The Independent vào năm 1993 với tiêu đề "Chiến binh chống Liên Xô sẽ đưa quân đội của mình đến hòa bình" kể về Osama Bin Laden – người sáng lập tổ chức khủng bố Al-Qaeda, cũng là cựu điệp viên CIA chống lại Liên Xô ở Afghanistan. Và câu chuyện và kết cục về trùm khủng bố Osama Bin Laden về sau thì nhiều người đã biết. Tuy nhiên tại thời điểm bây giờ, người được xem là kế thừa vị trí thủ lĩnh Al-Qaeda ở Syria lại đang nhận được sự đối xử tích cực từ giới chức phương Tây.
Thái độ của phương Tây với việc Chính quyền Assad sụp đổ
Cuộc khủng hoảng tại Syria lên tới đỉnh điểm sau khi lực lượng đối lập tiến vào thủ đô và chiếm quyền kiểm soát các kênh truyền hình nhà nước vào ngày 8/12 và thông báo về sự kết thúc của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sau 24 năm cầm quyền.
Trong bài phát biểu ngày 8/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc chính quyền Tổng thống al-Assad sụp đổ là một cơ hội lịch sử cho người dân Syria.
Syria được đánh giá là một đồng minh gần gũi nhất của Nga ở Trung Đông cũng như là một trong những "khách sộp" của ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Nga. Nga cũng đang duy trì 2 căn cứ quân sự quan trọng tại Syria, là cửa ngõ cũng như là bước đệm để Nga tăng cường ảnh hưởng tại Trung Đông, châu Phi và khu vực Địa Trung Hải.
Trong khi đó, Nga đang bị Mỹ, phương Tây xác định là đối trọng lớn. Vào thời điểm hiện nay, điều này thể hiện rõ nhất thông qua cuộc chiến Nga – Ukraine - đang kéo dài sang năm thứ 3 với tốn thất lớn đến từ cả hai bên. Mỹ, phương Tây tiếp tục đổ một lượng lớn vũ khí, tài chính để viện trợ cho Chính phủ của Tổng thống Ukraine Zelensky nhằm cầm chân Nga trên chiến trường. Do đó, Syria của Tổng thống Assad – đồng minh thân cận của Nga được xem như là “cái gai” trong mắt của phương Tây.
Trước đây, chính phủ Mỹ và nhiều nước phương Tây khác như Pháp, Anh từng nhiều lần cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học và tuyên bố sẽ hành động cứng rắn nếu chính phủ Syria dùng loại vũ này. Kể từ đó, vũ khí hóa học trở thành chủ đề tranh cãi chủ yếu nhất, là nguyên do của hầu hết các chỉ trích qua lại, đe dọa lẫn nhau giữa các bên ủng hộ và chống chính phủ Syria tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Syria luôn bác bỏ mọi cáo buộc trên và thực tế phương Tây cũng chưa đưa ra bằng chứng về vũ khí hóa học tại Syria.
Với sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo - IS”, Washington quyết định can dự sâu hơn vào Syria từ năm 2014. Khi đó, các lực lượng Mỹ và đồng minh mở chiến dịch không kích vào lãnh thổ Syria. Cho mãi đến ngày nay, Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện lực lượng quân sự trên lãnh thổ Syria. Theo phát biểu ngày 8/12, PhóTrợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông Daniel Shapiro cho biết Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện tại miền Đông Syria và thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn IS trỗi dậy.
Ngoài ra, nhiều quốc gia phương Tây cũng lên tiếng chỉ trích về vấn đề nhân quyền dưới thời Chính quyền Assad. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng Tổng thống Assad đã đàn áp người dân của mình một cách tàn bạo khiến nhiều người phải chạy trốn, trong số một số đã đã đến Đức.
Xem video quang cảnh thủ đô Damascus sau khi lực lượng nổi dậy kiểm soát. Nguồn: Reuters.
Sự thay đổi trong thái độ của phương Tây với lực lượng đối lập tại Syria
Tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) là lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến chống lại Chính quyền Syria. Nhóm này từ lâu đã bị phương Tây coi là tổ chức khủng bố. Đại sứ quán Mỹ tại Syria đã đăng dòng tweet trên mạng xã hội vào năm 2017 cho rằng HTS là một tổ chức được sáp nhập mới và bất kỳ nhóm nào sáp nhập vào HTS đều trở thành một phần của mạng lưới Al-Qaeda tại Syria.
Trang web của Cơ quan Tị nạn của Liên minh châu Âu (EU) cũng từng mô tả HTS thường xuyên vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bao gồm quấy rối, ám sát, bắt cóc và tra tấn, cũng như giam giữ dân thường bất hợp pháp và đã thực hiện các vụ đánh bom tự sát, bắt giữ con tin, tống tiền và ám sát.
Tuy nhiên gần đây báo chí phương Tây bắt đã đầu lan truyền một hình ảnh khác về HTS. Nhiều tờ báo đăng tải nội dung thủ lĩnh của HTS phát biểu về "sự đa dạng là nguồn sức mạnh" khi nói về cuộc chiến chống lại Chính quyền Assad. Tờ Telegraph của Anh trích lời thủ lĩnh HTS khi nói về việc đánh chiếm Aleppo là "cùng nhau trở về". Một số kênh truyền thông phương Tây cũng cho rằng chế độ của HTS lãnh đạo sẽ “khoan dung” hơn Taliban ở Afghanistan.
Bà Rachel Marsden là chuyên gia người Canada đã có bài phân tích trên tờ RT của Nga lý giải việc phương Tây chuyển từ coi HTS từ khủng bố sang có thể đàm phán. Chuyên gia này cho rằng mọi thứ có lẽ đang thay đổi chóng vánh khi tổ chức HTS kiểm soát Syria sau cuộc nổi dậy thành công.
Bà Rachel Marsden ví von tổ chức HTS dường như là “bạn gái” của “giới thượng lưu phương Tây” và phương Tây đang phải lòng HTS. Và có thể điều đó đã có hiệu quả, bởi vì phương Tây chọn thủ lĩnh HTS thay vì Tổng thống Assad. Mặc dù thực tế là thủ lĩnh HTS Abu Mohammed al-Jolani vẫn bị Washington truy nã với số tiền thưởng 10 triệu USD và đang chịu lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc kể từ năm 2013 vì liên quan đến tổ chức khủng bố IS.
Ngoài ra, bất chấp sự lên án của Liên Hợp Quốc đối với thủ lĩnh HTS, đặc phái viên của tổ chức này tại Syria vẫn gọi cuộc nổi dậy của HTS là "thời khắc quan trọng" mà Liên Hợp Quốc hướng tới với hy vọng về "hòa bình, hòa giải, phẩm giá và hòa nhập".
Với Chính quyền Mỹ, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington có nhiều cách để liên lạc với các nhóm, trong đó có nhóm mà Washington đã dán nhãn khủng bố. Ông Miller nói: “Chúng tôi đang tham gia các cuộc trao đổi trong vài ngày qua. Đích thân ngoại trưởng đã trao đổi với các quốc gia có ảnh hưởng ở Syria, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”.
Khi được hỏi liệu Mỹ có tiếp xúc với thủ lĩnh HTS Ahmed al-Sharaa, tên thường gọi là Abu Mohammed al-Golani, hay không, ông Miller không trả lời trực tiếp, nhưng không loại trừ khả năng này. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi có khả năng liên lạc bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, với tất cả các bên liên quan”. Bên cạnh đó, một số chính phủ phương Tây đang nỗ lực tạo ra mối liên kết mới với HTS.
Phó Thủ tướng Anh hoan nghênh việc lật đổ Chính quyền Assad. Điều này được bà Rachel Marsden đánh giá có nét tương tự khi phương Tây – chủ yếu do Anh và Pháp dẫn đầu – hoan nghênh việc lật đổ Chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi bởi các lực lượng khác ở Libya, đưa đất nước này vào tình cảnh hỗn loạn sau đó. Bên cạnh đó, điều này cũng gây ra một làn sóng di cư vào châu Âu để chạy trốn khỏi sự hỗn loạn, điều mà ông Gaddafi đã từng cảnh báo sẽ xảy ra.
Trang web của EU từng cảnh báo về việc HTS đặt ra mục tiêu là "thiết lập chế độ Hồi giáo" ở Syria bằng cách lật đổ Chính quyền Assad. Và bây giờ chính EU lại đang vui mừng về chính điều mà họ đã cảnh báo.
Những tác động của sự thừa nhận đối với phe đối lập và tương lai của Syria
Chuyên gia Rachel Marsden nhận định phương Tây rất giỏi trong việc thay đổi chế độ nhưng không giỏi trong việc tìm ra lối thoát cho các quốc gia. Phương Tây đang cổ vũ cho những người tiếp quản Syria và cũng đồng thời là những người được phương Tây coi là kế thừa tư tưởng của nhóm khủng bố Al-Qaeda.
Phương Tây được xem như là đã tập trung quá vào vấn đề Nga và Iran đến nỗi không thèm quan tâm đến việc những người sẽ tiếp quản Syria là ai miễn là không phải ông Assad. Từng có một Assad xoay sở chống lại lực lượng khủng bố tại Syria – cùng mục tiêu với CIA và Lầu Năm Góc trước đây. Nhưng giờ đây, ông Assad lại còn tệ hơn cả những nhóm thánh chiến bị phương Tây coi là khủng bố.
Với người dân Syria, điều quan tâm nhất sẽ là sự khởi đầu mới như thế nào khi Chính quyền Assad sụp đổ và họ sẽ được quản lý bởi lực lượng đối lập.
Những dấu hiệu ban đầu về tương lai của Syria được cho là khả quan, mặc dù vẫn còn quá sớm để chắc chắn về bất cứ điều gì. Lực lượng đối lập, đứng đầu là nhóm HTS, kiểm soát một phần Tây Bắc Syria trong vài năm qua, cho biết họ đã rút ra được bài học từ những thay đổi chế độ trước đó ở thế giới Arab. Không giống như ở Iraq và Libya, quá trình chuyển giao đang được thực hiện từ các địa phương, thay vì do các thế lực nước ngoài và những người lưu vong trở về. Nhóm HTS cũng cho rằng, Nga và Iran, trước đây là những bên ủng hộ chính của Tổng thống Assad, đã lui vào "bóng tối".
Tuy nhiên việc lực lượng đối lập gồm nhiều phe phái của Syria, trong bối cảnh bị mất đi "kẻ thù" chung, sẽ đoàn kết lại để thành lập một chính phủ dân sự liên minh trên toàn Syria hay sẽ lao vào cuộc tranh giành đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến mới. Đây vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ trong một thời gian nữa.