Theo một bài viết bình luận đăng trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 14/1, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Mỹ và Trung Quốc ký trong ngày 15/1 không chỉ đơn thuần là việc đẩy mạnh thu mua nông sản. Mặc dù hai bên vẫn còn nhiều bất đồng chưa được tháo gỡ, song thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vẫn được coi một bước khởi đầu hoàn hảo, nhằm giúp người tiêu dùng và các nhà đầu tư lấy lại niềm tin.
Thỏa thuận cho phép Bắc Kinh tái tập trung vào các vấn đề nghị sự kinh tế trong nước. Trong khi đó, đối với Mỹ, thỏa thuận phần nào giải quyết được mối lo ngại lớn từ trước đến nay của Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED).
Trước thềm diễn ra lễ ký kết thỏa thuận, không phải ngẫu nhiên mà một vài nhà hoạch định chính sách của FED đã đưa ra những nhận định lạc quan hơn về nền kinh tế Mỹ năm 2020.
“Kinh tế Mỹ khởi đầu năm 2020 từ xuất phát điểm tốt. Năm 2019, chúng ta phải chứng kiến tình trạng tăng trưởng chậm ở các nước và sự phát triển toàn cầu đè nặng lên các hoạt động đầu tư, xuất khẩu và sản xuất của Mỹ”, Phó Chủ tịch FED Richard Clarida cho hay.
Trả lời phỏng vấn Reuters, Chủ tịch FED tại Dallas Robert Kaplan chia sẻ: “Triển vọng tăng trưởng dường như chắc chắn hơn trong một vài tuần qua”.
Quan hệ thương mại giữa hai nước được cải thiện phần nào thể hiện trong một số động thái của Trung Quốc và Mỹ gần đây. Mới nhất là quyết định của Bắc Kinh cho phép công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ American Express mở rộng hoạt động tại Trung Quốc. Trong khi đó, ngân hàng JPMorgan của Mỹ cũng mở rộng không gian văn phòng đại diện tại tòa nhà cao nhất Trung Quốc Shanghai Tower.
Sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đóng vai trò như một động lực thúc đẩy các dịch vụ tài chính tăng theo. Chính vì vậy, việc Trung Quốc cho phép các công ty tài chính Mỹ như American Express và JP Morgan tăng cường hoạt động kinh doanh tại đây là điều dễ hiểu, và được đánh giá là một quyết định “hai bên cùng có lợi”.
Tương tự, khi kinh tế Trung Quốc thăng hạng trong chuỗi giá trị toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc cũng muốn khuyến khích các nhà sản xuất công nghệ cao nước ngoài tạo sản phẩm ngay trong nước và bán cho người tiêu dùng Đại lục.
Việc nhà sản xuất ô tô điện hàng đầu của Mỹ Tesla mới đây đặt một cơ sở sản xuất ở Thượng Hải (Trung Quốc) là một trường hợp điển hình. Hình ảnh Giám đốc điều hành Tesla nhảy ăn mừng lễ ra mắt chương trình SUV Tesla tại Trung Quốc vào ngày 7/1 đã khiến giá cổ phiếu của công ty này nhảy vọt 5% trong ngày, kéo theo giá trị vốn hóa thị trường của Tesla chạm mốc 89 tỷ USD, lớn hơn tổng giá trị thị trường của Ford và Geneal Motors cộng lại. Các chuyên gia đánh giá giới đầu tư dường như rất kỳ vọng vào bước đi phát triển thị trường của Tesla tại Trung Quốc.
Video CEO Elon Musk ra mắt chương trình SUV Tesla tại Trung Quốc (nguồn: SCMP):
Công ty nghiên cứu tài chính của Trung Quốc TS Lombard nhận định “sự ổn định của môi trường bên ngoài” sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh cảm thấy lạc quan về triển vọng tăng trưởng năm 2020 của nước này.
Kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào nửa đầu năm 2018, các cuộc đàm phán giữa Washington và Bắc Kinh đã từng bế tắc nhiều lần, tạo ra sự nghi ngại rằng liệu hai cường quốc kinh tế có muốn đạt được thỏa thuận "Giai đoạn 2" hay không. Đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng các cuộc đàm phán cho thỏa thuận tiếp theo sẽ bắt đầu ngay lập tức, nhưng việc ký kết thỏa thuận có thể phải đợi đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Tất nhiên, các vòng đàm phán giai đoạn 2 vẫn được dự đoán là khó khăn song không có nghĩa tầm quan trọng của thỏa thuận giai đoạn 1 bị phớt lờ. Thỏa thuận mới có thể đóng vai trò như một bệ phóng thúc đẩy đáng kể cho triển vọng kinh tế của Trung Quốc và Mỹ vào năm 2020.