Báo cáo cho rằng năm 2022 kinh tế châu Á vẫn nằm trong tiến trình phục hồi, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có thể thu hẹp, đồng thời cần phải quan tâm 6 yếu tố lớn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế châu Á: Một là, xu thế phát triển của tình hình dịch COVID-19; Hai là, cục diện địa chính trị sau xung đột Nga-Ukraine; Ba là, nhịp độ và cường độ điều chỉnh chính sách tiền tệ của Mỹ và châu Âu; Bốn là vấn đề nợ của một số quốc gia; Năm là, nguồn cung hàng hóa cơ bản then chốt; Sáu là sự thay đổi chính phủ của một số quốc gia.
Báo cáo dự đoán kinh tế châu Á nhiều khả năng tiếp tục xu thế phục hồi trong năm nay, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ thấp hơn năm 2021, dự kiến tốc độ tăng trưởng sẽ đạt khoảng 4,8% do chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố như dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine…
Tăng trưởng kinh tế châu Á phục hồi mạnh trong năm 2021. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng 1/2022, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của các nền kinh tế châu Á trong năm 2021 là 6,3%, tăng 7,6 điểm phần trăm so với năm 2020.
Trong số 47 nền kinh tế châu Á, ngoại trừ Myanmar, Afghanistan, Bhutan và Iran, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế khác đều cao hơn năm 2020. Tính theo tiêu chuẩn sức mua tương đương, năm 2021, quy mô kinh tế châu Á chiếm 47,4% tỷ trọng kinh tế thế giới, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2020.