Tạo sinh kế cho những người hoàn lương ở Thái Lan

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, “Kamlangjai” trong tiếng Thái Lan có nghĩa là truyền cảm hứng, hỗ trợ và khuyến khích. Một dự án có tên như vậy do Công chúa Hoàng gia Bajarakitiyabha Narendiradebyavati, con gái cả Nhà vua Rama X hiện nay, khởi xướng đã ra đời từ năm 2006 với mục đích giúp đỡ những người cần cơ hội trong xã hội. Cho đến nay, dự án nhân văn này vẫn tiếp tục được thực hiện để giúp tạo sinh kế cho những người hoàn lương ở đất nước Chùa Vàng.

Chú thích ảnh
Trung tâm học tập và du lịch nông nghiệp Viện Cải huấn Doi Hang có sự tham gia điều hành của tù nhân cải tạo tốt mở cửa cho công chúng tham quan. Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN

Trên thực tế, nhiều người sau khi ra tù không được tạo đủ cơ hội để tái hòa nhập vào xã hội chính thống. Dự án “Kamlangjai” mong muốn giúp những cá nhân này nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng mang đến cho họ cơ hội, sự động viên và hỗ trợ để họ có thể vượt qua mặc cảm và trở ngại để tái hoà nhập cộng đồng. Điều này không chỉ làm giảm số lượng người tái phạm và cho phép những người từng phạm tội trở thành công dân tốt mà còn thúc đẩy sự hòa hợp trong xã hội.

Dự án “Kamlangjai” ban đầu tập trung hoạt động vào nhóm người trong hệ thống tư pháp hình sự đang cần cơ hội, bắt đầu từ các tù nhân đang mang thai và con cái của họ tại các trại cải huấn dành cho phụ nữ trên khắp Thái Lan. Công chúa Bajarakitiyabha đã đóng góp quỹ riêng của mình và giao cho Trường cao đẳng điều dưỡng Chữ thập Đỏ Thái Lan cộng tác với Cục Cải huấn, Bộ Tư pháp để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và giáo dục họ về sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, kết quả là đã hoàn thành tốt các mục tiêu của Dự án Hoàng gia.

Chú thích ảnh
Du khách thưởng thức điệu múa truyền thống Thái do các nữ tù nhân biểu diễn. Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN

Tiếp nối thành công ban đầu, dự án được mở rộng tới các nhóm người thụ án khác đang cần hỗ trợ, nhằm tạo cho họ cơ hội và niềm hy vọng mới trong cuộc sống. Đây là những yếu tố có ý nghĩa quan trọng nhằm mang lại công lý và hỗ trợ những người từng mắc sai lầm trở thành những công dân tốt trong xã hội. 

 Nằm cách thủ đô Bangkok 800 km về phía Bắc, Viện Cải huấn Phụ nữ Chiang Mai là nhà tù duy nhất dành cho phụ nữ đào tạo các tù nhân những kỹ năng quý giá như học cách massage Thái truyền thống hay các công việc về dịch vụ khách hàng và khách sạn. Mục đích của việc đào tạo nghề là nhằm cung cấp cho các nữ tù nhân những kỹ năng cần thiết để họ có thể tìm việc làm sau khi ra tù và tái hòa nhập xã hội. 

Chú thích ảnh
Bảo tàng ‘Ruean Pathamarong’ về nhà tù toạ lạc trong toà nhà hơn 100 tuổi là một điểm nhấn du lịch ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN

Một điểm nhấn độc đáo của Viện Cải huấn Phụ nữ Chiang Mai chính là Bảo tàng Ruean Pathamarong và nhà hàng Naree có phục vụ massage Thái và spa toạ lạc trong một ngôi nhà cổ có tuổi đời hơn 100 tuổi ở trung tâm thành cổ Chiang Mai. Khi đến thăm bảo tàng này khách tham quan không chỉ được tìm hiểu thêm về tòa nhà lịch sử cũng như những câu chuyện, trải nghiệm và hy vọng của những người phụ nữ trong tù mà còn được thưởng thức một số hàng hóa và dịch vụ ưu việt khác do các nhân viên là tù nhân phục vụ.  

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Acharee Srisunakrua, một phụ trách của Viện Cải huấn Phụ nữ Chiang Mai cho biết tất cả các nhân viên tại nhà hàng đều là những tù nhân hiện đang trải qua các chương trình đào tạo và phục hồi để chuẩn bị được trả tự do. Bảo tàng mở cửa cho khách du lịch tham quan và mỗi du khách đều có thể góp phần mang đến cho các tù nhân cơ hội thứ hai, bằng cách tình nguyện làm khách hàng để họ thực hành massage và chỉ phải trả một mức phí dịch vụ rẻ.    

Bà Acharee cũng cho biết thêm rằng trên thực tế, rất nhiều tiệm massage ở Chiang Mai đánh giá cao chất lượng đào tạo nghề mà các nữ tù nhân nhận được tại Trung tâm dạy nghề của Viện cải huấn. Nhiều tiệm massage thậm chí còn có thỏa thuận chính thức với Trung tâm để giúp họ tuyển dụng những người có tay nghề giỏi nhất. 

Chú thích ảnh
Một "tù nhân nam" ở Viện Cải huấn Doi Hang thực hành massage cho khách tham quan. Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN

Tại tỉnh Chiang Rai lân cận, Viện Cải huấn Doi Hang là một cơ sở thuộc Nhà tù Trung tâm Chiang Rai, nơi các tù nhân nam gần mãn hạn tù chuẩn bị cho cuộc sống sau khi ra trại. Chương trình đào tạo nghề tại cơ sở này dựa trên “Triết lý kinh tế vừa đủ” của Hoàng gia Thái Lan và nhằm mục đích cung cấp cho các tù nhân những kỹ năng phù hợp với thị trường địa phương, đặc biệt là trong các ngành nông nghiệp hữu cơ, chăm sóc sức khỏe, thủ công mỹ nghệ và khách sạn. Quỹ "an cư" cũng được thành lập từ năm 2012 nhằm tạo cơ sở cho các tù nhân sau khi mãn hạn tù có thể bắt đầu lại cuộc sống trong xã hội, cũng như tạo cơ hội cho các cựu tù nhân mong muốn theo học tại các cơ sở dạy nghề hoặc trường đại học.

Hiện nay, Trung tâm học tập và du lịch nông nghiệp Viện Cải huấn Doi Hang mở cửa cho công chúng và được điều hành bởi các cán bộ của Viện cùng các tù nhân có hành vi tốt khi gần mãn hạn tù, giúp các tù nhân có thu nhập từ công việc của mình tại trung tâm cũng như có thêm một khoản tiết kiệm nho nhỏ sau khi ra tù, tái hoà nhập xã hội.

Đỗ Sinh – Huy Tiến (TTXVN)
Vốn vay chính sách giúp người hoàn lương làm lại cuộc đời
Vốn vay chính sách giúp người hoàn lương làm lại cuộc đời

Ngay sau khi Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù có hiệu lực từ ngày 10/10, tổng hợp từ các địa phương trong cả nước có 2.089 người có nhu cầu vay vốn với tổng số tiền 1 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 11/10/2023 NHCSXH cũng đã giải ngân cho 19 người chấp hành xong án phạt tù với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN