Bộ trưởng Giao thông Anh Grant Shappsđã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh hàng nghìn hành khách đặt vé của Thomas Cook vẫn mắc kẹt tại nhiều sân bay trên thế giới.
Theo người đứng đầu Bộ Giao thông Anh, hiện cơ quan chức năng nước này đang thảo luận với các bên thứ 3 xem xét việc bồi thường chi phí cho hoạt động đưa các khách hàng của Thomas Cook về nước. Ông cho biết các cuộc thảo luận sẽ diễn ra với công ty bảo hiểm ATOL, các nhà cung cấp thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, bảo hiểm đi lại, và các nhà cung cấp dịch vụ lữ hành có kết nối với Thomas Cook. Ông cho biết thêm bộ này đang tìm cách tính toán chi phí bồi thường thông qua tài sản của công ty Thomas Cook.
Bộ trưởng Shapps khẳng định điều cần làm hiện giờ là có thể đảm bảo các máy bay của Thomas Cook có thể tiếp tục bay mà cơ quan chức năng nước này không cần phải thành lập một hãng hàng không hậu thuẫn.
Tính đến ngày 24/9, Chính phủ Anh đã hỗ trợ đưa khoảng 1.200 khách du lịch về nước thông qua các chuyến bay được điều động tới sân bay Enfidha của Tunisia và thêm 4.000 du khách vẫn mắc kẹt tại đây sẽ trở về nước sau kỳ nghỉ.
Trước đó, ngày 23/9, tập đoàn Thomas Cook có tuổi đời 178 năm này đã tuyên bố phá sản sau khi không thể đạt thỏa thuận giải cứu vào phút chót nhằm tìm kiếm khoản đầu tư trị giá 200 triệu bảng Anh (250 triệu USD). Quyết định trên đồng nghĩa với việc mọi hoạt động của Thomas Cook phải ngừng lại ngay lập tức, các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa, các máy bay của họ không được cất cánh và 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu (trong đó có 9.000 nhân viên tại Anh) phải nghỉ việc. Quyết định trên của Thomas Cook cũng ảnh hưởng tới 600.000 khách du lịch trên toàn thế giới.