Hình ảnh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông chụp từ trên không. Ảnh: Reuters. |
Ngày 26/10, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen đang tiến gần đến ranh giới 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông và sẽ lưu lại khu vực này trong vài giờ đồng hồ. Chuyến tuần tra này của Hải quân Mỹ sẽ khởi đầu cho một loạt hành động thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở một trong những tuyến đường biển tấp nập nhất thế giới.
Tàu USS Lassen đã bắt đầu hành trình vào sáng sớm 27/10 (giờ địa phương) gần các bãi đá Xu Bi và Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trước khi Bắc Kinh bắt đầu dự án nạo vét quy mô lớn để biến các bãi đá này thành đảo nhân tạo vào năm 2014, chúng bị chìm dưới nước khi thủy triều lên đỉnh điểm.
Tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters |
Trước đó, hãng tin AP của Mỹ ngày 26/10 dẫn lời giới chức quốc phòng nước này tuyên bố Nhà Trắng đã phê chuẩn kế hoạch của Hải quân Mỹ điều động một tàu chiến tuần tra gần các đảo mà Trung Quốc tôn tạo trái phép trên Biển Đông.
Theo AP, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần khẳng định sẽ thực thi quyền tự do hàng hải ở bất kỳ vùng biển quốc tế nào, trong đó có Biển Đông.
Trong một phản ứng đầu tiên, ngày 27/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, nước này đang nỗ lực xác minh thông tin Mỹ điều một tàu hải quân tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý xung quanh các hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát trái phép Biển Đông.
Ngoại trưởng Vương Nghị nêu rõ: "Nếu điều đó là sự thật, chúng tôi khuyến cáo Mỹ nên suy nghĩ lại trước khi hành động, và không nên hành động mù quáng hay tạo ra rắc rối không đáng có".
* Mỹ-Trung Quốc thỏa thuận hành xử an toàn hàng không quân sự
Trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều gia tăng các hoạt động trên biển và trên không, nhất là ở Biển Đông, hai bên vừa đạt được thỏa thuận, theo đó nhất trí cùng hành xử một cách an toàn giữa các máy bay quân sự của hai nước.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn các nguồn tin quân sự Mỹ ngày 26/10 cho biết điều khoản bổ sung vừa đạt được trong bản ghi nhớ về an toàn bay yêu cầu phi công của các máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc khi hoạt động trong cùng một khu vực phải bay cách nhau một khoảng cách đủ an toàn, trao đổi thông tin với nhau một cách rõ ràng và tránh mọi hành động mang tính khiêu khích. Điều khoản bổ sung thứ 3 ghi rõ các tổ lái quân sự của hai bên khi gặp nhau trong không trung “cần phải kiềm chế sử dụng các ngôn từ không lịch sự hoặc các cử chỉ không thân thiện” nhằm tránh dẫn tới các vụ việc ngoài ý muốn. Điều khoản bổ sung này phản ánh rõ nhu cầu của hai bên sau vụ ngày 15/9 hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc chủ động chặn đường bay của một máy bay trinh sát RC-135 của không quân Mỹ đang hoạt động cách bờ biển Trung Quốc khoảng 130 km. Phía Mỹ cho rằng hành động của hai chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc là “nguy hiểm và không an toàn”. Sự cố nghiêm trọng nhất trên không giữa Mỹ và Trung Quốc là tháng 3/2001 khi máy bay trinh sát EP-3 của Hải quân Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã va vào nhau trên Biển Đông, làm phi công Trung Quốc thiệt mạng và chiếc máy bay của Mỹ với 24 thành viên phi hành đoàn buộc phải hạ cánh và lưu lại một sân bay trên đảo Hải Nam trong hơn một tuần lễ, dẫn tới bế tắc quan hệ quân sự giữa hai nước trong một thập kỷ.
Theo các chuyên gia, thỏa thuận vừa đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc là cần thiết trong bối cảnh một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 26/10 cho biết Hải quân nước này có kế hoạch trong vòng 24 giờ tới sẽ triển khai tàu khu trục USS Lassen vào khu vực 12 hải lý (21 km) xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông. Chiến hạm này có khả năng sẽ được các máy bay do thám P-8A và P-3, vốn thường xuyên tiến hành hoạt động theo dõi trong khu vực, hộ tống. Đây sẽ là động thái cụ thể đầu tiên trong kế hoạch của Mỹ triển khai đều đặn các hoạt động tuần tra ở Biển Đông.